Vẫn còn hơn 1.000 hộ dân bị ngập
Cuối tháng 7, nước lũ chảy cuồn cuộn qua đê sông Bùi và đập tràn khiến hàng nghìn hộ dân của các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) bị ngập nhà cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và tài sản.
Tính đến trưa nay (ngày 2/8), theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, thành phố vẫn còn 1.007 hộ dân bị ngập úng, trong đó huyện Chương Mỹ có 912 hộ dân và huyện Quốc Oai có 95 hộ dân. Huyện Thạch Thất không còn hộ dân nào bị ngập nhà ở, thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp cũng bắt đầu được thống kê…
Nhằm đảm đảm ổn định đời sống người dân vùng úng ngập, các huyện bị ảnh hưởng từ lũ trên vẫn đang huy động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân. Như tại huyện Chương Mỹ, tính đến sáng 2/8, địa phương đã tiếp nhận các nguồn ủng hộ, hỗ trợ để cấp phát cho người dân vùng úng ngập 4.721 thùng mì tôm, 3.220 bình nước (loại 20 lít/bình), 100 lít dầu thắp sáng, 602 suất quà là tiền mặt với tổng số tiền 173,6 triệu đồng.
Lập tổ phòng chống dịch cơ động
Sau mưa bão, lũ lụt, có rất nhiều xác con vật, rác, chất thải… trôi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây dịch bệnh cho người.
Dự phòng tình trạng này có thể xảy ra tại các huyện trên, Sở Y tế Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.
Ngoài ra, CDC Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động để hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp cùng chính quyền các cấp chuẩn bị cơ số Cloramin B 25% đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê về tình hình dịch bệnh của CDC Hà Nội, huyện Chương Mỹ có 11 người viêm kết mạc, 3 người tiêu chảy, 395 người mắc các bệnh ngoài da. Những ca bệnh này xuất hiện rải rác tại các xã, đã được khám và cấp thuốc điều trị kịp thời. Các ca bệnh không tập trung tại một chỗ nên hiện tại chưa có dấu hiệu bùng phát thành dịch.
Trung tâm còn thống kê được có 32 thai phụ cư trú tại các xã bị úng lụt có dự sinh đến ngày 5/8. Trung tâm đã phân công hộ sinh của các xã theo dõi sát tình trạng thai phụ, tư vấn họ dời đến nhà người thân ở các vùng không bị ngập úng. Đồng thời, sẵn sàng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ để đưa sản phụ đi cấp cứu kịp thời nếu không may phát sinh tình huống khẩn cấp.
Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã cấp gần 200kg Cloramin B 25% đến các xã, thị trấn bị ngập lụt để phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường. Đồng thời, tiếp tục cung cấp bổ sung cho các đơn vị có nhu cầu. Trung tâm cũng phân công cán bộ giám sát 24/24 giờ và 4 đội cơ động tiến hành theo dõi, giám sát, hỗ trợ những xã, thị trấn bị ngập.
Còn tại Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện này đã cấp phát Cloramin B 25% tới các xã bị ngập phục vụ công tác xử lý nguồn nước và môi trường. Trung tâm còn chỉ đạo trạm y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh, hướng dẫn và xử trí kịp thời người bệnh tại các vùng bị ngập.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong mùa mưa lũ, người dân cần chú ý đến các bệnh về da liễu, mắt, tiêu chảy, sốt xuất huyết, các bệnh liên quan đến thực phẩm… Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đã thành lập 5 tổ cơ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm để sẵn sàng ứng phó nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm tại khu vực bị ngập úng.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/ha-noi-trien-khai-nuoc-rut-den-dau-ve-sinh-moi-truong-den-do-de-ngan-dich-bung-phat-o-vung-lu-5405.html