Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định về cơ chế, chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất thu hồi, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Nhóm người áp dụng chính sách là người có đất nông nghiệp và kinh doanh thu hồi. Thời gian hỗ trợ là 5 năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.
Đối với chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, người có đất thu hồi sẽ được tham gia đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ học phí cho một khóa học. Mức học phí được hỗ trợ bằng mức thu thực tế của cơ sở đào tạo nhưng tối đa không quá mức trần học phí của cơ sở công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Bên cạnh đó, người tham gia đào tạo nghề tại tất cả các trình độ đều được vay vốn tín dụng. Phương thức, mức vay, thời hạn và lãi suất, thủ tục theo quy định đối với chương trình vay vốn học sinh, sinh viên. Người có đất thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề một lần theo chính sách quy định.
Bên cạnh đó, người có đất thu hồi được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm, dịch vụ việc làm; vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác theo quy định.
Ngoài ra, người có đất nông nghiệp và kinh doanh bị thu hồi, nếu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sẽ được hỗ trợ một lần theo chính sách quy định của Chính phủ. Đồng thời được vay vốn ưu đãi với hạn mức đến 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thời gian tối đa bằng thời hạn hợp động, không bao gồm thời gian gia hạn với lãi suất hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn.
Điều kiện vay vốn bao gồm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, cần có đăng ký thường trú trên địa bàn của Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết thủ tục; có đảm bảo tiền vay theo quy định pháp luật đối với mức vay trên 100 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất chủ yếu ở đất canh tác nông nghiệp và vùng đông dân cư, tập trung vào một số xã, vùng ven khu đô thị lớn (70-80%). Xét tổng thể, đất nông nghiệp bị thu hồi tuy chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích đất nông nghiệp, nhưng lại gây mất việc làm cho người lao động.
Trước đó, Chính phủ đã có những quy định cụ thể hỗ trợ cho những người bị thu hồi đất được đào tạo nghề mới hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng với số tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 300.000-700.000 đồng/người, người dân chỉ có thể tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn với các nghề đơn giản. Trong khi các lao động lớn tuổi (trên 35 tuổi) chưa qua đào tạo gặp không ít khó khăn trong tìm việc làm nhưng phần lớn lại là lao động chính trong gia đình.
Trước đó, tại một cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Đồng Nai, Bắc Giang đã kiến nghị mở rộng biên độ chi phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp nghề phù hợp với thực tế tại các địa phương, nhất là ở thành phố lớn.
Cùng với đó, nâng mức cho vay tối đa đối với lao động hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; làm rõ chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người có đất nông nghiệp, đất kinh doanh dịch vụ bị thu hồi…
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị xem xét đối tượng cần hỗ trợ là những người đang sống phụ thuộc vào người lao động chính (con cái, bố mẹ già), các hộ tách ra từ hộ gia đình có đất thu hồi.
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-bi-thu-hoi-dat-duoc-ho-tro-dao-tao-nghe-va-vay-von-uu-dai-5437.html