Nhiều ông lớn bất động sản rục rịch đầu tư vào phân khúc viện dưỡng lão

Cùng với sự phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng hiện đại, nhu cầu về nhà ở dưỡng lão tăng lên không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Dù hiện tại, phân khúc này vẫn chưa bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh nhưng nhiều "ông lớn" đã bắt đầu rót vốn.

“Ngại cưới, lười sinh” khiến dân số già ngày càng tăng

Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong số 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 nhưng sẽ tăng lên hơn 25% vào năm 2050. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già.

Nguyên nhân chính làm đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số là tỷ lệ sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua, từ mức trung bình 3,8 con/gia đình vào năm 1989 đã xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trung bình trong giai đoạn 2009 – 2019, tổng dân số tăng 1,14%/năm thì dân số cao tuổi tăng tới 4,35%/năm.

Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi sống một mình đang tăng lên theo thời gian từ 9,68%/năm (năm 2009) lên 13,74% sau 10 năm (2019). Số lượng người cao tuổi phải đối mặt với các khó khăn trong hoạt động hàng ngày cũng như các khuyết tật về nhìn, nghe, vận động, nhớ hoặc tập trung và giao tiếp cũng tăng cao đáng kể.

vien-duong-lao-1724042358.jpg

Hiện tại cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão ở Việt Nam tại 32/63 tỉnh, thành

Từ những thực tế này cho thấy, nhu cầu các dịch vụ có liên quan đến viện dưỡng lão đang ngày một tăng lên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mô hình này vẫn còn rất sơ khai, dù mục tiêu đặt ra là mỗi tỉnh, thành phố phải có ít nhất một cơ sở dưỡng lão vào năm 2025 nhưng vẫn chưa thể theo kịp và đáp ứng được tốc độ già hóa của dân số.

Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tại cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão, 32/63 tỉnh, thành có viện dưỡng lão với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.

Cũng theo VARS, việc “ngại cưới, lười sinh” gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội, nhất là các vấn đề về dân số già, chăm sóc người cao tuổi trong những thập niên tới. Để giải quyết những vấn đề này, bên cạnh những biện pháp khuyến khích kết hôn, tăng tỷ lệ sinh sản, những chính sách liên quan đến dưỡng lão cũng là vấn đề cần quan tâm.

Còn nhiều dư địa phát triển

Trước tình hình hiện tại, trong thời gian gần đây, các nhà phát triển bất động sản, trong đó có các “ông lớn” như Vingroup, Sungroup…đã nắm bắt cơ hội, triển khai phát triển mô hình này. Tuy nhiên, theo ước tính, hiện tỷ lệ lấp đầy tại các nhà dưỡng lão tư nhân mới chỉ đạt khoảng 37 - 40%, thấp hơn nhiều so với mức 85% cần để hòa vốn.

Hồi tháng 3 vừa qua, Vingroup đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Well Group (Nhật Bản), để phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đẳng cấp quốc tế theo hai hình thức: chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão). Trong đó, có mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cao cấp tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2 (Ocean City, Hà Nội).

Cùng với việc nghiên cứu triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn, Vingroup cũng đang lên kế hoạch mở rộng quy mô, nhân rộng mô hình trên toàn chuỗi nhằm bổ sung viện dưỡng lão cao cấp vào danh sách "những đặc quyền đẳng cấp chỉ có ở Vinhomes".

Đầu tháng 8 vừa rồi, tại Hà Nam, Sun Group cũng đã chính thức triển khai dự án đại đô thị Sun Urban City theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô với 1.001 tiện ích, nơi người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe toàn diện với Khu dưỡng lão, bệnh viện chuyên biệt, có không gian rộng lớn để dạo bộ, sum vầy cùng những người bạn đồng niên và con cháu.

Tuy nhiên, các cơ sở này, vô hình chung mới chỉ đáp ứng cho một bộ phận người cao tuổi rất nhỏ ở khu vực đô thị. Bởi chi phí nhà ở tại nơi cung cấp cấp dịch vụ cũng như chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở tư nhân này còn cao so với mức thu nhập bình quân của Việt Nam, đặc biệt là thu nhập của người cao tuổi.

Do đó, ngoài các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện để khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động kinh tế, mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế và xã hội để hỗ trợ chi phí chăm sóc tại nhà dưỡng lão, giúp giảm gánh nặng tài chính cho người dân và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ.

Những yếu tố khiến khách hàng e ngại gồm chi phí cao (do giá đất ngày tăng cao, chi phí vốn đầu tư nhiều). Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng, nhu cầu đối với các cơ sở này sẽ tăng cao, từ đó mang lại lợi nhuận trong dài hạn.

duong-lao-1724042365.jpg

Dù chưa có lợi nhuận với phân khúc bất động sản dưỡng lão nhưng các nhà đầu tư xác định đây là con đường dài hơi

Đại diện Savills Việt Nam cho rằng, tại thị trường Việt Nam có rất nhiều đòn bẩy giúp hỗ trợ việc xây dựng các bất động sản dưỡng lão dành riêng cho người cao tuổi, đặc biệt có thể kể tới các gói bảo hiểm đi kèm với giá trị đầu tư đang ngày một phổ biến.

Savills nhận định, mô hình gia đình truyền thống chắc chắn sẽ dần thay đổi, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu ngày một giảm dần, ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Do đó, việc tăng cường phát triển các mô hình dưỡng lão đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi sẽ ngày càng tăng.

Đặc biệt, về mặt chính sách, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch chi tiết để thúc đẩy phát triển lĩnh vực chăm sóc y tế cho người già, trong đó tập trung vào việc mở rộng các dịch vụ cơ bản với giá cả phải chăng. Một trong những mục tiêu của kế hoạch này là tăng số lượng giường tại các cơ sở dưỡng lão và đầu tư nguồn lực để đào tạo nhân lực.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-ong-lon-bat-dong-san-ruc-rich-dau-tu-vao-phan-khuc-vien-duong-lao-5821.html