Vụ khách bị khỉ tấn công ở bán đảo Sơn Trà và cảnh báo hệ lụy từ hành vi cho khỉ ăn

Ông Phan Minh Hải - Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết, dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm đồng thời túc trực nhắc nhở nhưng vẫn có nhiều du khách cho khỉ ăn. Việc này làm thay đổi tập tính, bản năng kiếm ăn của khỉ. Đồng thời khi đói, chúng dễ tấn công, cướp đồ ăn của du khách.

Du khách bị khỉ tấn công

Thời gian qua, tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) xuất hiện nhiều đàn khỉ tràn xuống đường kiếm thức ăn. Thấy người đến, những con khỉ này liền áp sát, ngồi chực chờ được cho ăn. Chúng rất dạn dĩ, sẵn sàng bám lấy tay, chân du khách để xin ăn.

Bất chấp các biển báo cấm cho khỉ ăn, nhiều du khách vẫn vô tư ném cho khỉ các loại thực phẩm của con người như bánh kẹo, sữa... Điều này khiến một số con còn nhảy hẳn lên người, tấn công du khách để cướp đồ. Đã có không ít du khách phản ánh tới Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng về tình trạng bị khỉ tấn công.

khi-tan-cong-1-1724147117.jpg
Đàn khỉ tràn xuống đường để xin ăn (Ảnh: Duy Quốc/Tiền Phong)

Chị Nguyễn Thị Trà My (Hà Nội) cho biết, gia đình chị tới Đà Nẵng nghỉ dưỡng. Khi đang ngắm cảnh trên bán đảo Sơn Trà, chị đã bị một đàn khỉ ào tới giật túi trái cây trên tay. Khi bị đuổi đánh, có con còn nhe răng, vồ tới cào vào chân chị. Do vậy, chị đành bất lực để chúng cướp đi túi hoa quả.

Ngoài gây phiền toái cho du khách, việc khỉ tràn xuống đường kiếm ăn còn làm mất an toàn giao thông.

Ông Phan Minh Hải - Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết, tình trạng này khó có thể xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn. Thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm đồng thời túc trực nhắc nhở nhưng vẫn có nhiều du khách cho khỉ ăn. Việc này làm thay đổi tập tính, bản năng kiếm ăn của khỉ. Đồng thời khi đói, chúng dễ tấn công, cướp đồ ăn của du khách.

khi-tan-cong-1724147116.jpg
Khỉ dạn dĩ không sợ người (Ảnh: Duy Quốc/Tiền Phong)

Ông Hải chia sẻ, cái khó hiện nay là hành vi cho khỉ ăn chưa có chế tài xử lý. Ban quản lý cũng đã đưa ra biện pháp mạnh như lập biên bản nhắc nhở gửi về địa phương với một số trường hợp du khách cho khỉ ăn, đồng thời phối hợp cùng các đơn vị chức năng liên quan tăng cường tuần tra, nhắc nhở du khách.

Ban quản lý còn gửi công văn đề nghị các đơn vị lữ hành, hãng xe tuyên truyền, khuyến cáo du khách tuyệt đối không dùng thức ăn của mình cho các loài động vật tự nhiên. Thời gian tới ban quản lý sẽ tích cực đẩy mạnh biện pháp nhằm cắt nguồn thức ăn mà con người cho khỉ, từ đó giúp chúng quay lại cuộc sống hoang dã. Song song, gắn camera giám sát và bổ sung quy chế và chế tài xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm quy định.

Hệ lụy từ việc cho khỉ ăn

Các chuyên gia về sinh thái học cho biết, khỉ là loài động vật có tập tính xã hội giống như con người. Chúng sống theo nhóm từ 15 - 30 con. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khỉ ăn 186 loại thực vật khác nhau gồm cả lá non, chồi non và hoa. Bên cạnh đó, chúng còn ăn các loài động vật như bò sát nhỏ, nhện và côn trùng.

Điều này cho thấy, khỉ ở nơi hoang dã có rất nhiều thức ăn tự nhiên. Bằng cách ăn trái cây và thức ăn tự nhiên, khỉ cũng giúp rừng tái sinh và đảm bảo sự cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên.

khi-tan-cong-2-1724147116.jpg
Du khách bị khỉ tấn công gây thương tích (Ảnh: Kim Tuyết/Tuổi trẻ)

Tiến sĩ sinh thái học Hà Thăng Long khẳng định, việc con người cho khỉ ăn đã ảnh hưởng đến tập tính kiếm ăn tự nhiên của chúng. Những cá thể này sẽ suy giảm khả năng kiếm ăn trong tự nhiên và phụ thuộc vào nguồn thức ăn do con người cung cấp, từ đó dẫn đến hành vi tiếp cận con người (người dân, du khách) để tìm kiếm thức ăn.

Nguồn thức ăn do con người cung cấp cho khỉ như bánh, sữa, thức ăn công nghiệp, đóng gói giàu dinh dưỡng hơn rất nhiều so với thức ăn tự nhiên, tác động trực tiếp đến sinh trưởng, sinh sản của khỉ, dẫn đến quần thể khỉ tăng trưởng nhanh hơn về số lượng, có nguy cơ gây mất cân bằng tự nhiên.

Ông Madhavan Kannan - nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát và bảo vệ động vật thuộc Cơ quan Nông nghiệp, thực phẩm và thú y Singapore từng chia sẻ, khi được cho ăn, khỉ thích sự bố thí dễ dàng từ con người và sẽ ngừng tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên. Chúng đợi dọc theo các con đường ở rìa rừng trong "giờ ăn" và sẵn sàng lao về phía những chiếc xe đang đến gần.

Đáng sợ là khi lũ khỉ vì muốn đòi thức ăn mà trở nên quá hung dữ, đột nhập vào nhà dân gần khu vực các khu bảo tồn. Sự hung dữ của chúng có thể ảnh hưởng đến an toàn khu dân cư, nên phải tiêu hủy. Tại Singapore, có 80 con khỉ bị tiêu hủy mỗi năm vì chúng trở nên quá hung dữ.

Người bị khỉ cắn, cào có thể dẫn đến tử vong

Bác sĩ Trương Thị Hoa - Phó trưởng khoa y học nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, người bị khỉ cào, cắn có nguy cơ mắc bệnh dại, thậm chí nặng có thể dẫn đến tử vong. Các nghiên cứu y khoa cho thấy khỉ cũng mang virus dại, mầm bệnh tồn tại nhiều trong nước bọt của chúng, có thể lây sang người qua vết cào, cắn.

Theo bác sĩ Trương Thị Hoa, khi bị khỉ cào, cắn cần rửa vết thương ngay bằng xà phòng và nước sạch trong vòng 15 phút. Tiếp đó, sát trùng vết thương bằng cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn, rồi băng bó lại nếu vết thương chảy nhiều máu. Sơ cứu xong, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm phòng dại và uốn ván càng sớm càng tốt.

Phúc Hưng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/he-luy-tu-hanh-vi-cho-khi-an-la-bi-tan-cong-cuop-do-5860.html