Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, nhiều người Việt Nam đang trải qua giai đoạn thu nhập giảm, buộc họ phải điều chỉnh lại thói quen chi tiêu của mình. Sự thay đổi này thể hiện rõ ràng nhất ở việc người dân bắt đầu cắt giảm những khoản chi tiêu không thiết yếu như đi cafe, ăn uống tại các nhà hàng sang trọng, mua sắm quần áo đắt tiền…
Chị Trần Thu Mai (30 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức, TP. HCM) làm việc trong lĩnh vực bất động sản. Hơn nửa năm nay, chị đã thắt chặt chi tiêu hơn, cắt giảm mạnh những chi phí không cần thiết.
Chị Mai cho biết, do tính chất công việc phải thường xuyên gặp gỡ khách hàng, chị không ngại đầu tư mua sắm quần áo có thương hiệu. Nhưng giờ, chị chỉ chủ yếu săn hàng giảm giá qua các buổi livestream để tiết kiệm chi phí. Thói quen uống cà phê của chị cũng thay đổi. Trước đây, chị chỉ ngồi ở các quán cà phê cao cấp thì giờ đã chuyển sang quán tầm trung để giảm bớt chi phí.
Chị Mai bảo, chỉ tính riêng tiền cà phê mỗi sáng của chị đã lên đến vài triệu một tháng. Bỏ hẳn đi quán cà phê thì không được vì chị nghiện cà phê, nhưng kinh tế khó khăn nên chị chọn thương hiệu bình dân hơn.
Tương tự, anh Nguyễn Minh Trường (quận 5, TP. HCM) cũng đã giảm tần suất đến các quán cà phê cao cấp, chỉ khi nào tiếp khách rất quan trọng anh mới chọn. Còn bình thường, anh sẽ chọn các quán tầm trung mà vẫn có không gian yên tĩnh, phù hợp gặp đối tác.
Trước đây, văn hóa đi cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người Việt, đặc biệt là giới trẻ và dân văn phòng. Các quán cà phê từ vỉa hè đơn giản đến thương hiệu cao cấp, đều luôn đông đúc, là nơi mọi người có thể gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, đối tác hoặc đơn giản là tìm một không gian thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Tuy nhiên, khi thu nhập không còn được như trước, việc chi tiêu cho những buổi cà phê này bắt đầu được cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Công ty nghiên cứu thị trường iPOS cho biết, trong nửa đầu năm 2024 mức chi tiêu cho việc "đi" cà phê của người Việt đã giảm mạnh, tần suất đi uống cà phê cũng giảm đáng kể.
Các loại cà phê có giá 41.000 - 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, trong khi tỷ lệ người chọn phân khúc cao cấp ít đi. Người sẵn sàng chi trên 100.000 đồng/ly đã giảm từ 6% còn 1,7%.
Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cũng ghi nhận xu hướng tiết kiệm này từ giữa năm 2023 khi tỷ lệ người chọn phương thức tiết kiệm tăng đều. Cụ thể, 16% số người được hỏi cho biết họ đã giảm mua sắm hàng tạp hóa, trong khi 50% không mua hàng xa xỉ.
Xu hướng tiêu dùng thay đổi này tác động rất lớn tới những thương hiệu lớn. Mới đây, Starbucks Việt Nam đã đóng cửa điểm bán cao cấp duy nhất tại TP. HCM sau 7 năm hoạt động. Trước đó, Starbucks Reserve Hàn Thuyên từng là điểm đến quen thuộc của giới sành cà phê nhờ vào các loại cà phê rang cao cấp.
Trong tháng 8 này, chuỗi cà phê The Coffee House cũng tuyên bố đóng tất cả các cửa hàng tại Cần Thơ và sắp tới là Đà Nẵng. Đến cuối tháng 7/2024, The Coffee House chỉ còn lại 117 quán trên toàn quốc. So với cuối năm 2023, con số này là 150 quán.
Không chỉ đi cà phê, người Việt cũng hạn chế đến các nhà hàng sang trọng, cao cấp với mức giá có thể gấp nhiều lần so với việc ăn uống ở nhà hoặc tại các quán ăn bình dân. Mức chi phí này, giờ đây trở nên xa xỉ với không ít người.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch F&B Investment cho rằng, sự chuyển đổi trong cơ cấu ngành diễn ra mạnh mẽ, với doanh số tăng tập trung vào phân khúc bình dân, ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế hơn so với các mô hình cao cấp. Lượng nhà hàng bình dân, ki-ốt và xe đẩy ngày càng phổ biến, đáp ứng nhu cầu của số đông người tiêu dùng.
Các chuyên gia khác cũng dự đoán, xu hướng bán hàng online trong lĩnh vực F&B sẽ còn phát triển mạnh mẽ, góp phần làm giảm số lượng cửa hàng truyền thống trong bối cảnh giá thuê mặt bằng ngày càng đắt đỏ.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-thuong-hieu-lon-bi-anh-huong-khi-nguoi-dan-cat-giam-chi-tieu-sang-chanh-5983.html