Mua “hàng bom” để xả stress hay thêm bực tức vào người

Một Tiktoker nổi tiếng cho hay, những đơn “hàng bom” giống như mua xổ số vậy, may thì được hàng tốt, còn không thì đành chấp nhận. Bởi bạn không thể biết được “hàng bom” mua thực sự có giá trị hay không, cho tới khi được mở ra.

Săn “hàng bom”

Vài năm trở lại đây, một xu hướng mới xuất hiện trên các nền tảng mua sắm trực tuyến và mạng xã hội: Săn hàng bom. Những đơn hàng này thường là các đơn bị hủy hoặc bị trả lại do người mua không nhận hàng. Các sàn thương mại điện tử thường tập hợp những đơn hàng này lại một cách ngẫu nhiên, đóng gói thành kiện và bán lại cho các cửa hàng hoặc những người có nhu cầu mua.

Các cửa hàng cũng nhấn mạnh rằng việc mua "hàng bom" là dành cho những ai thích trải nghiệm sự bất ngờ. Đây cũng là lý do nhiều người mua “hàng bom” như một hình thức xả stress vì mang lại cảm giác tò mò, hồi hộp.

hang-bom-1725196766.jpg
Các đơn "hàng bom" có nhiều mức giá

Trong dịp nghỉ lễ này, vợ chồng chị Trần Thị Hồng Nhung (Ba Đình, Hà Nội) không về quê, cũng không đi du lịch vì ngại đường đông. Để giải trí, chị Nhung đã quyết định đặt “hàng bom” về khui. Chị cho biết, thường xuyên xem các clip khui “hàng bom” trên mạng, nhưng chưa từng trải nghiệm. Kỳ nghỉ lễ này, tiền thưởng của 2 vợ chồng được 1 triệu, chị quyết định sử dụng chỗ tiền này để mua “hàng bom”.

Chị Nhung lên các trang thương mại điện tử và kênh mua sắm như TikTok, Shopee, nhập từ khóa "hàng bom" để tìm kiếm. Kết quả hiện ra rất nhiều nơi bán. Chị chọn tài khoản có nhiều lượt bán, tiếp đến click vào gói hàng có mức giá 200.000 đồng và chốt đơn mua. Sau đó, chị Nhung tiếp tục mua thêm vài gói hàng nữa.

Đơn “hàng bom” đầu tiên gửi đến, vợ chồng chị khui được một máy xông tinh dầu cỡ nhỏ và một bịch khăn giấy. Chị Nhung chia sẻ, chị rất bất ngờ vì đơn hàng này nơi bán chỉ ghi chung chung là đồ gia dụng, điện tử... Chị rất mong chờ những đơn hàng sắp tới.

Cũng mua lần đầu, nhưng không “chơi lớn” như chị Nhung, Nguyễn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) chốt đơn một gói “hàng bom” với giá 49.000 đồng. Dự kiến đơn hàng sẽ giao sau khoảng 2 ngày. Trang chia sẻ, lần đầu mua thử nên cô chốt đơn “nhẹ nhẹ thôi”. Cô thấy kiểu bán hàng này cũng ngộ nghĩnh.

Sau tò mò là tức giận

Bên cạnh nhiều người may mắn nhận món hời hoặc hữu dụng khi mua “hàng bom”, thì cũng có nhiều người than phiền vì nhận được những món đồ “trời ơi đất hỡi”. Trịnh Thị Thu Anh (Long Biên, Hà Nội) rơi vào trường hợp như vậy. Cô mua đơn “hàng bom” giá 49.000 đồng, nhận được 2 chiếc kẹp tóc. Thu Anh thắc mắc: Đây có phải hàng bom, hay người bán tự in giá rồi dính vào?

hang-bom-3-1725196941.jpg
Các gói "hàng bom" đều bị bôi đen thông tin, chỉ để lại giá

Chị Trần Thị Phương (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, sau khi xem nhiều clip về khui “hàng bom”, chị cũng tò mò đặt mua 1 đơn hàng. Khi nhận, các gói bên trong “hàng bom” đã bị tẩy xóa, che đi thông tin khác đều bằng tiếng Anh, chỉ còn phần giá tiền được ghi khá cao.

Mở “hàng bom”, chị đếm đủ 8 gói, nhưng tất cả đều có giá trị thấp, nếu không muốn nói là “đồ bỏ đi”: 1 cặp pin cúc áo với đơn giá in bên ngoài hơn 200.000 đồng, kiểm tra trên sàn thương mại điện tử chỉ có giá 5.000 đồng. 1 chiếc tai nghe, hóa đơn hơn 200.000 đồng, nhưng được bán nhan nhản trên mạng với giá 40.000 đồng. Trong gói hàng còn có 2 miếng nhựa trồng cây, 1 gói khăn ướt, vòng đeo tay, củ sạc điện thoại loại rẻ tiền, thuốc nhỏ mắt. Tổng giá trị 8 món là gần 300.000 đồng, khác xa với quảng cáo!

Chị Phương bảo, gói “hàng bom” như kiểu lừa đảo, nên chị không bao giờ mua tiếp lần thứ 2.

Một Tiktoker nổi tiếng, cũng tự bỏ tiền túi tới vài triệu đồng để trải nghiệm các đơn “hàng bom”, cho hay, những đơn hàng kiểu này hên xui, giống như mua xổ số vậy. Khi mua hàng không nên đặt kỳ vọng gì, vì nó may rủi, may thì được hàng tốt còn không thì đành chấp nhận. Bởi bạn không thể biết được “hàng bom” mua thực sự có giá trị hay không, cho tới khi được mở ra.

Trao đổi vấn đề này trên VOV Giao thông, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật Kết Nối cho rằng, đây là hành vi có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Ông cho biết, thủ đoạn này đã từng xuất hiện, chỉ là hình thức khác thôi. Trước kia, người bán quảng cáo lấy được đơn hàng từ xưởng, đem bán lại với giá rẻ. Nhưng thực chất, người mua nhận được hàng kém chất lượng.

Còn với “hàng bom” được quảng cáo là đơn hàng hoàn. Với các đơn hàng hoàn, tem phiếu thông tin rất mù mờ, có dấu hiệu làm giả, do đó người tiêu dùng phải cẩn trọng.

Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc trước khi mua “hàng bom”, tránh việc mất vài trăm tới tiền triệu đồng nhưng chỉ được nhận sự khó chịu, thêm bực tức vào người.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/mua-hang-bom-de-xa-stress-hay-them-buc-tuc-vao-nguoi-6180.html