72% nữ giới và 80% nam giới muốn có con thứ 2
PGS Nguyễn Đức Vinh - Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, một khảo sát vừa được thực hiện trên 1.200 phụ nữ từ 18 - 35 tuổi tại 4 tỉnh thành có mức sinh thấp là Khánh Hòa, TP. HCM, Sóc Trăng, và Cà Mau. Phần lớn người tham gia khảo sát mong muốn có 2 con. Cụ thể, ở phụ nữ là 72% và nam giới là 80%.
Tuy nhiên, có sự khác biệt về số con mong muốn giữa các địa phương. Phụ nữ ở Sóc Trăng và Cà Mau có xu hướng muốn trung bình dưới 1,9 con. Còn ở TP.HCM, trong tổng số người được khảo sát thì 5,1% muốn có 1 con, 72,9% muốn có 2 con và 22% muốn có 3 con.
Dù kết quả khảo sát cho thấy phần đông người dân TP. HCM mong muốn có 2 con, nhưng thành phố vẫn có mức sinh thấp nhất cả nước, với tỷ suất sinh chỉ 1,32 con. PGS Nguyễn Đức Vinh cho rằng, nguyên nhân của mức sinh thấp là do các cặp vợ chồng đối mặt với nhiều rào cản như chi phí nuôi dạy con cao, sức khỏe không đảm bảo, điều kiện làm việc không thuận lợi, thiếu thời gian và hỗ trợ chăm sóc.
Dù vậy, ông nhấn mạnh đa số các gia đình vẫn mong muốn có hai con và việc triển khai chính sách khuyến sinh là khả thi nếu phù hợp.
Nhiều người vẫn cho rằng bài toán kinh tế quyết định gần như toàn bộ ý định và hiện thực hoá việc sinh con. Chính quyền nhiều nơi đã có các biện pháp kinh tế thân thiện với gia đình như tặng tiền, hỗ trợ chi phí sinh con, khám sàng lọc một số bệnh bẩm sinh... nhưng dường như người dân không mặn mà sinh thêm con.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số còn cho hay, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có ảnh hưởng đến mức sinh. Theo số liệu thống kê năm 2023, mức sinh trung bình của những người giàu là 2 con, trong khi những người nghèo có mức sinh trung bình là 2,4 con.
Đối với những người có mức sống khá và trung bình, mức sinh dao động từ 2,03 đến 2,07 con. Ngoài ra, những người có trình độ học vấn dưới bậc tiểu học có mức sinh trung bình là 2,35 con, trong khi những người có trình độ trên THPT có mức sinh trung bình là 1,98 con. Tuy nhiên, thống kê này không công bố rõ ràng cơ sở xác định tiêu chí giàu và nghèo.
Giải pháp nào có thể khuyến khích sinh con?
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân - đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Việt Nam vẫn có cơ hội tăng mức sinh nhờ vào truyền thống gia đình. Đa số thanh niên Việt Nam hiện vẫn mong muốn kết hôn và có 2 con khi trưởng thành.
Để đạt được mức sinh cao hơn, giáo sư Nhân đề xuất cần có chính sách đảm bảo thu nhập đủ sống cho một gia đình 4 người (2 người lớn và 2 trẻ con), chuyển từ quy định lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu, đảm bảo thời gian làm việc hợp lý (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để người lao động có thời gian chăm sóc gia đình.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách hỗ trợ nhà ở, chế độ nghỉ thai sản, và khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập gia đình và sinh con.
Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, cần đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng cho các gia đình trẻ. Ví dụ, có thể áp dụng giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc miễn giảm các khoản đóng góp trong cộng đồng cho các cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ. Hiện nay, ông thấy nhiều hộ gia đình phải đóng từ 5 - 7 quỹ cộng đồng và những khoản đóng góp này không hề nhỏ.
Việc trợ cấp cho người già cũng là một biện pháp khuyến khích sinh con. Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải gánh vác cả cha mẹ già và con nhỏ, tạo ra áp lực nặng nề, đặc biệt là khi cha mẹ già không có lương hưu hoặc thu nhập ổn định. Gánh nặng này khiến nhiều người trẻ quyết định sinh ít con hơn.
Giáo sư Nguyễn Đình Cử cũng chia sẻ, chuyện sinh con đã thay đổi từ mang tính tự nhiên sang hành vi có tính toán, đầu tư về chi phí. Khái niệm chi phí này gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Theo cuộc điều tra tiến hành vào năm 2019 tại các tỉnh phía Nam, 91% người được hỏi cho rằng chi phí vật chất để nuôi con là "cao và rất cao", gồm chi phí nhà ở, học hành, sinh hoạt, y tế...
Về chi phí về tinh thần, 85% người dân được hỏi trong nghiên cứu trên bày tỏ: Từ khi có bầu thì lo con sinh ra bị dị tật, sinh con rồi lo con không khoẻ mạnh, học tập không đến nơi đến chốn, không ngoan ngoãn, sa vào tệ nạn... Con lớn hơn thì lo thất nghiệp, lo làm ăn thua lỗ... Nỗi lo chi phí tinh thần cao hơn chi phí vật chất.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/giam-thue-thu-nhap-ca-nhan-tro-cap-cho-nguoi-gia-giup-vo-chong-tre-bot-ap-luc-khi-sinh-con-6218.html