Muôn kiểu mua hàng trả góp
“Mua trước, trả sau” đang ngày càng trở thành cách mua sắm phổ biến với người tiêu dùng tại Việt Nam. Sự phát triển này chủ yếu được thúc đẩy bởi thế hệ trẻ, đặc biệt là người mua sắm thế hệ gen Y và Z (nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1980 - 1994 và từ năm 1995 - 2010).
Hiện nay, tại các cửa hàng và trung tâm điện máy, có rất nhiều hình thức trả góp đa dạng. Phổ biến nhất là trả góp qua thẻ tín dụng hoặc thông qua các công ty tài chính. Các chương trình trả góp thường bao gồm trả góp 0 đồng, nghĩa là không cần trả trước bất kỳ khoản nào cho sản phẩm, hoặc trả góp 0%, tức là trả trước một phần giá trị sản phẩm và không tính lãi suất cho số tiền còn lại.
Chị Nguyễn Thị Nhung (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, 2 năm nay, vợ chồng chị thường sắm đồ dùng trong nhà bằng hình thức trả góp. Đợt nắng nóng vừa qua, vợ chồng chị đã ra trung tâm điện máy mua điều hòa giá gần 9 triệu đồng. Chị chọn trả góp 0% lãi suất trong nửa năm, trả trước 500.000 đồng, rồi mỗi tháng trả 1,4 triệu đồng. Chị thấy cách thanh toán này rất tiện lợi, phù hợp khả năng.
Không chỉ mua hàng hóa, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp cũng có thể trả góp. Chị Vũ Thị Hồng (Long Biên, Hà Nội) đã đưa con trai đang học lớp 12 tới một cơ sở nha khoa gần nhà để niềng răng. Tổng chi phí là 40 triệu đồng. Cơ sở đồng ý cho chị trả trước 10 triệu đồng, số còn lại có thể chia nhỏ để trả góp dần.
Chị Hồng cho hay, được trả góp khiến chị quyết định cho con niềng răng nhanh hơn. Nếu phải trả liền một lần tới 40 triệu đồng, chị sẽ tính toán kỹ càng hơn.
Còn chị Trần Hồng Anh (30 tuổi, quận Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ, chị vừa nâng mũi tại một thẩm mỹ viện với giá 35 triệu đồng. Chị trả trước 7 triệu đồng. Số tiền còn lại, chị được thẩm mỹ viện hỗ trợ trả góp 0%, chia đều trong 12 tháng. Chị Hồng Anh bộc bạch, bây giờ hầu như mọi thứ đều có thể trả góp, như vậy rất tiện lợi.
Tính toán cẩn thận trước khi mua hàng
“Mua trước, trả sau” đúng là rất thuận tiện, tuy nhiên nếu không tính toán, để bản thân quá sa đà sẽ khiến rơi vào tình trạng nợ nần. Bên cạnh đó, nhiều khi vì vội vã mua hàng dẫn đến số tiền chênh giữa trả thẳng và trả góp rất nhiều.
Năm 2023, cần phương tiện đi làm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Linh (Gia Lâm, Hà Nội) đã mua một chiếc xe máy dưới hình thức trả góp trong 2 năm. Giá gốc xe là 38 triệu đồng (đã bao gồm phí trước bạ). Mỗi tháng, vợ chồng anh trả 2,8 triệu đồng gồm gốc và lãi. Tuy nhiên, có tháng anh trả trễ vài ngày, dẫn đến số tiền bị đội lên hơn 3,9 triệu đồng.
Gần đây, ngồi tính toán lại, vợ chồng anh Linh mới tá hỏa bởi cộng cả tiền gốc và lãi hàng tháng thì sau 2 năm trả góp, tổng số tiền mua xe lên tới hơn 70 triệu đồng, chênh quá nhiều so với giá mua trả thẳng.
Một chuyên gia tài chính cho hay, khi mua hàng trả góp, với số tiền ban đầu bỏ ra ít và thủ tục khá đơn giản, người mua thường dễ có tâm lý ỷ lại và không tuân thủ đúng hạn thanh toán. Sau khoảng 12 tháng, nhiều người có thể trở nên lười biếng trong việc tiếp tục trả góp, dẫn đến tình trạng nợ xấu.
Như trường hợp mua xe máy của vợ chồng anh Linh, trước khi mua cần cân nhắc xem liệu trong 2 - 3 năm tới có đủ khả năng tài chính để trả góp hay không. Đồng thời, cần đọc kỹ hợp đồng vay tín chấp, chú ý đến số tiền vay, lãi suất hàng năm và cách tính lãi sau một năm. Thông thường, vay tín chấp sẽ tính lãi trên dư nợ ban đầu, nếu người vay bị liệt vào danh sách nợ xấu, lãi suất có thể tăng lên đáng kể.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Long – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình trả góp, nếu người tiêu dùng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán, bên cho vay có quyền tiến hành thu hồi nợ. Khi ký hợp đồng, hầu hết người tiêu dùng đều đồng ý để bên cho vay thanh lý tài sản trong trường hợp họ không thể thanh toán được.
Nhiều trường hợp phải đưa ra tòa mới có thể giải quyết tranh chấp, và thậm chí có những trường hợp người tiêu dùng sau khi nhận tài sản đã cố tình không thanh toán và trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, các tranh chấp này thường là tranh chấp dân sự, gây ra nhiều phiền toái và kéo dài thời gian giải quyết.
Do vậy, “mua trước, trả sau” không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất cho người trẻ. Mặc dù nó mang lại sự tiện lợi và khả năng tiếp cận nhanh chóng với các sản phẩm mong muốn, nhưng nếu không có sự chuẩn bị và hiểu biết đúng đắn, nó có thể trở thành cái bẫy tài chính nguy hiểm. Việc nâng cao ý thức tài chính và quản lý chi tiêu một cách thông minh sẽ giúp người trẻ tránh được những rủi ro tiềm ẩn và xây dựng một tương lai tài chính bền vững hơn.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-tre-can-trong-voi-xu-huong-mua-truoc-tra-sau-6227.html