Tại thời điểm thị trường nóng sốt, các doanh nghiệp dựa vào việc phát hành trái phiếu, vay vốn ngân hàng để triển khai dự án. Tuy nhiên, từ khoảng cuối năm 2022, thị trường tài chính biến động khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, nợ và lãi phải trả cao. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng cạn vốn, buộc phải dừng triển khai dự án.
Hàng loạt dự án xây dựng dở dang
Điển hình là Bình Dương, tỉnh này đang có hàng loạt dự án dừng triển khai xây dựng. Như dự án LDG Sky tại Khu đô thị mới Bình Nguyên (TP Dĩ An) gồm 5 toà tháp chung cư cao 30 tầng với 1.659 căn hộ, chủ đầu tư là Công ty LDG. Dự án này được mở bán từ năm 2018, theo kế hoạch sẽ bàn giao nhà vào cuối năm 2023. Nhưng sau khi xây dựng hầm móng dự án đã dừng triển khai.
Tương tự, dự án Astral City (TP Thuận An) với gần 5.000 căn hộ chung cư, có 8 8 block cao 40 tầng, mặc dù đã xây dựng tới tầng thứ 8 nhưng đã dừng thi công từ năm 2022 đến nay.
Hay dự án Roxana Plaza cũng tại TP Thuận An với quy mô 1.174 căn hộ, có 32 tầng được cất nóc từ ngày 31/1/2021. Đến nay, hàng ngàn khách hàng đã ký hợp đồng mua căn hộ tại dự án này rất lo lắng vì dự án đang dừng triển khai xây dựng và chưa hẹn ngày tái khởi động.
Với TP.HCM – nơi nhu cầu nhà ở rất lớn - cũng có nhiều dự án đang xây dựng dở dang. Như dự án CT Plaza Nguyên Hồng (quận Gò Vấp) do Công ty Nguyên Hồng làm chủ đầu tư. Quy mô dự án gồm 2 tầng hầm và 17 tầng nổi, gồm 280 căn hộ diện tích 55 - 76 m2 và 18 căn shophouse diện tích 220 - 470 m2.
Dự án này được mở bán từ năm 2016 và theo hợp đồng mua bán ký với khách hàng sẽ phải bàn giao nhà vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, dự án mới chỉ xây dựng tới tầng 14 và dừng xây dựng hoàn toàn từ năm 2021.
Tại Đồng Nai, dự án Bien Hoa Universe Complex (TP Biên Hoà) được Công ty Tân Văn Hoa mở bán từ năm 2018. Theo quảng cáo, dự án này gồm 7 block chung cư với gần 2.000 căn hộ, giá bán từ 2,25 tỷ đồng/căn 2 phòng ngủ. Thế nhưng tới năm 2022, dự án ngừng thi công dù đã xây dựng được hơn 20 tầng.
Theo các chuyên gia, lý do khiến dự án bỗng dừng triển khai chủ yếu đến từ việc chủ đầu tư hết vốn. Vì vậy, muốn các dự án khởi động lại thì doanh nghiệp phải có vốn.
Tạo điều kiện thuận lợi khơi thông vốn cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, hiện nay việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản rất khó. Do đó, ông khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện, đối với các dự án đã có giấy phép xây dựng và khởi công thì xem xét cho chủ đầu tư được vay tín dụng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án. Theo đó, khoản vay không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho rằng, đối với dự án bất động sản đang triển khai dở dang nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng và có khả năng thanh khoản ngay. Do đó, ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của doanh nghiệp và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.
Đồng thời, ông Cường cũng đề nghị cần phải kiểm soát dòng vốn vay, giải ngân vào đúng hoạt động hoàn thiện dự án và quản lý dòng tiền bán hàng để thu hồi nợ. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào những dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ.
Các chuyên gia nhận định, Nhà nước nên tăng cường sử dụng công cụ thuế để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản. Bởi lẽ đầu cơ bất động sản là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá bất động sản tăng nhanh.
Bên cạnh đó, cũng nên nghiên cứu biện pháp để hạn chế hoặc không cho phép doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư vào ngân hàng và ngược lại. Điều này để tránh dòng vốn chỉ xoay quanh hoạt động của doanh nghiệp đó mà không có nhiều tác dụng với phát triển kinh tế xã hội.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/horea-cho-vay-toi-da-50-tong-muc-dau-tu-de-hoi-sinh-cac-du-an-dap-chieu-6247.html