Lập fanpage giả mạo
Cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại nặng nề về cả con người và tài sản. Mưa lũ sau bão cũng đã gây thêm nhiều tổn thất nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Hiện tại, thông tin về tình hình mưa lũ ở miền Bắc đang thu hút sự quan tâm và chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả mạo các tổ chức, đơn vị kêu gọi quyên góp nhằm mục đích lừa đảo. Cụ thể, ngày 7/9, trang facebook của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra cảnh báo có fanpage giả danh Hội để lừa đảo kêu gọi ủng hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Dù bị nhiều người báo cáo và báo chí phản ánh, trang fanpage giả mạo này vẫn tiếp tục kêu gọi chuyển tiền từ thiện.
Ngày 11/9, mạng xã hội lại xuất hiện một fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) kêu gọi quyên góp cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố sập cầu Phong Châu. Những kẻ lừa đảo sử dụng hình ảnh và thông tin giống các trang chính thống để thu hút lòng tin của người hảo tâm, yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao khẳng định, thông tin kêu gọi ủng hộ trên là không chính xác, đồng thời cảnh báo người dân không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân được đăng tải trên các trang giả mạo này.
Không chỉ giả mạo fanpage kêu gọi từ thiện, mạng xã hội còn lan truyền tin giả về việc người dân vùng bão lũ có thể nhập cú pháp gửi 191 để sử dụng Internet miễn phí của Viettel. Những kẻ phát tán thông tin còn nhấn mạnh cú pháp này chỉ áp dụng cho các khu vực bị bão lũ, mất điện và mất kết nối. Tuy nhiên, đại diện Viettel Telecom đã lên tiếng bác bỏ thông tin sai lệch này.
Lừa đảo tham gia từ thiện
Đọc những thông tin thiệt hại do bão lũ, anh Nguyễn Văn Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) rất muốn tham gia vào các đội thiện nguyện giúp đỡ bà con vùng bão. Anh lên mạng tìm kiếm các nhóm di chuyển từ Hà Nội. Sau khi trao đổi với một người đăng tin hỗ trợ vùng thiên tai, anh Minh được báo đóng trước 500.000 đồng. Khi nào có lịch trình đi cụ thể, người này sẽ báo lại.
Không nghi ngờ, anh Minh đã chuyển tiền vào số tài khoản người này cung cấp. Nhưng ngay sau đó, anh đã không liên lạc được với người này nữa. Anh Minh cho biết, số tiền 500.000 đồng cũng không lớn nên anh không nghi ngờ là lừa đảo.
Ngoài ra, nhiều trường hợp bị lừa khi mua nhu yếu phẩm hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt. Trong đó nổi cộm nhất là hiện tượng giả vờ có nguồn áo phao để bán cho các đội thiện nguyện. Chị Nguyễn Hiền Anh đã bị 2 đối tượng lừa tổng cộng 17 triệu khi mua áo phao cũng như các nhu yếu phẩm khác.
Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo này cực kỳ ranh ma, thậm chí khi nạn nhân đòi chuyển khoản để đặt cọc chúng còn giả vờ không nghe điện thoại hoặc hẹn ngày mai hãy chuyển khoản, kiểu không ham tiền, nên hầu như ai cũng mắc bẫy.
Trên mạng xã hội, bài đăng chia sẻ về một trường hợp tương tự thu hút rất đông người quan tâm. Theo đó, một người đã chuyển cả trăm triệu đồng cho một cá nhân để mua 2.000 chiếc áo phao chuyển lên Tuyên Quang. Nhưng sau khi nhận tiền, kẻ đó đã biến mất, không liên lạc được.
Cảnh báo từ cơ quan chức năng
Tại Hà Nội, nhiều đối tượng đã sử dụng hình ảnh và thông tin từ các khu vực bị thiệt hại do bão lũ, giả danh Hội phụ nữ các phường Quán Thánh, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch (quận Ba Đình) nhằm lôi kéo những người hảo tâm chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt.
UBND quận Ba Đình đã đưa ra cảnh báo, khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không gửi tiền ủng hộ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, mọi người nên chia sẻ rộng rãi thông tin cảnh báo này để bảo vệ cộng đồng. Việc phát hiện và báo cáo các trang giả mạo, lừa đảo cũng là một cách góp phần ngăn chặn tình trạng lừa đảo.
Ngoài ra, UBND quận cũng khuyến cáo các trang mạng xã hội không nên đăng tải thông tin sai lệch về tình hình bão lũ tại địa phương. Những hành vi này sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.
Trong ngày 10 - 11/9, nhiều tài khoản trên mạng xã hội đã lan truyền tin tức sai sự thật về việc vỡ đê ở các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà và tình trạng người dân mắc kẹt ở xã Vũ Vân (huyện Vũ Thư) của tỉnh Thái Bình, gây hoang mang trong dư luận. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã bác bỏ những tin đồn này, khẳng định hệ thống đê quốc gia vẫn an toàn.
Tại tỉnh Sóc Trăng, cơ quan chức năng cũng nhận được nhiều phản ánh từ người dân về các cuộc gọi lạ kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão. Thượng tá Phan Sỹ Vinh - Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, người dân phải tỉnh táo, không gửi tiền quyên góp vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Hiện nay, ngoài các cuộc gọi lừa đảo, các đối tượng còn tạo trang giả mạo trên mạng xã hội để kêu gọi từ thiện.
Người dân nên tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin trước khi quyên góp. Những người có lòng hảo tâm nên ủng hộ qua các tổ chức uy tín, minh bạch để đảm bảo sự đóng góp của mình đến đúng nơi cần thiết.
Vân Thanh
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/canh-giac-nhung-chieu-tro-loi-dung-bao-lut-de-lua-dao-6467.html