Tắc đường mọi khung giờ
Đã 2 tuần kể từ ngày lên TP. HCM nhập học, Nguyễn Hoàng Huy (18 tuổi, quê Đồng Nai) vẫn chưa hết "choáng váng" với mật độ phương tiện dày đặc của đô thị phồn hoa bậc nhất cả nước này. Lên TP. HCM học đại học, Huy ở nhà người thân tại huyện Nhà Bè, trong khi trường đại học ở tận quận Bình Thành. Thế nên mỗi ngày, Huy phải di chuyển quãng đường gần 17km để đi học.
Huy cho biết, ngày đầu nhập học, Huy tìm đường trên Google Maps, được ứng dụng ước tính thời gian di chuyển mất 40 phút. Do đó, Huy bắt đầu đi từ nhà lúc 6h10, chỉ tính dôi dư thêm 10 phút vì nghĩ sáng sớm đường thưa xe. Vậy mà đến 7h06, Huy mới tới trường, đi mất gần 1 tiếng đồng hồ.
Huy chia sẻ, kẹt xe từ cầu Rạch Đĩa 2 tới cầu Rạch Bàng 2 đến cầu Kênh Tẻ, rồi sang phía Xô Viết Nghệ Tĩnh, chỗ nào cũng kẹt. Mấy hôm sau, cậu đi sớm hơn, từ trước 6 giờ. Tuy nhiên, đường thông thoáng phía huyện Nhà Bè, quận 7, nhưng khi cậu sang tới Bình Thạnh lại đúng giờ mọi người đổ ra đường. Huy bảo, có hôm cậu đi buổi chiều, đường còn tắc hơn, đi tới trường mất hơn một tiếng rưỡi.
Hàng loạt tuyến đường khu vực trung tâm TP. HCM như Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Pasteur, Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)… kéo ra tới khu vực đường Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 3)… cũng luôn trong tình trạng ùn ứ. Từ sáng đến chiều, những tuyến đường này lúc nào cũng hiển thị màu vàng và đỏ trên bản đồ, lưu ý các tài xế về tình trạng xe đông, di chuyển chậm.
Chị Nguyễn Thanh Hương (quận 7, TP. HCM) chia sẻ, mọi người cứ bảo đi qua Kênh Tẻ thì phải trước 7h và sau 8h30, qua Xô Viết Nghệ Tĩnh thì chờ sau 9 giờ mới hết tắc… Nhưng có hôm, chị chờ đến 10h mới ra khỏi nhà mà vẫn thấy xe nối đuôi nhau xếp hàng trên đường. Mấy hôm nay nay trời mưa gió, ùn tắc lại càng kinh khủng hơn. Chị thậm chí phải linh động làm việc online ở nhà, có việc quan trọng mới lên cơ quan, vì tắc đường khiến chị quá mệt mỏi. Chị Hương thở dài bảo, giờ nào cũng kẹt xe, cuối tuần trong tuần gì cũng đông phương tiện.
Xe buýt kích thước quá lớn gây tắc đường
Trước tình trạng này, một vị lãnh đạo ngành Giao thông TP. HCM khẳng định, sau thời kỳ này giao thông thành phố sẽ có cải thiện. Song vị này cũng thừa nhận phải xác định giải quyết giao thông ở một siêu đô thị hơn 13 triệu dân, không thể tham vọng chuyển đổi nhanh chóng hay kỳ vọng làm đủ đường đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển của người dân. Cần quá trình tịnh tiến đi cùng các chương trình được thực hiện bài bản ở trung hạn và dài hạn, bồi đắp thêm các giải pháp để tình hình dần được cải thiện.
Trước tình trạng ùn ứ, kẹt xe gia tăng trên nhiều tuyến đường và ngày càng nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là do xe buýt có kích thước quá lớn (50 chỗ) không phù hợp với hạ tầng giao thông đa số nhỏ hẹp của TP. HCM. Do đó, thành phố cần thay đổi kích cỡ xe buýt sử dụng loại xe 30 chỗ ngồi trở xuống sẽ phú hợp hơn.
Về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP. HCM cho hay, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng xếp vào loại phương tiện được hưởng một số ưu tiên. Phương tiện buýt có kích thước lớn, loại 50 chỗ ngồi và 30 chỗ đứng thích hợp vận chuyển hành khách với số lượng lớn, đặc biệt với học sinh, sinh viên rất hiệu quả. Tuy nhiên, kích thước lớn nên việc di chuyển qua các giao lộ, vào bến, trạm dừng chờ... có khó khăn, nhất là vào các khung giờ cao điểm.
Phòng CSGT Công an TP. HCM đã đề xuất với Sở Giao thông vận tải chọn loại phương tiện buýt nhỏ, 30 chỗ ngồi hoặc 24 chỗ ngồi lưu thông lộ trình có khổ đường nhỏ để thuận lợi và đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, cần thời gian và lộ trình để thay thế bằng các loại xe buýt nhỏ.
Chiều 19/9, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, cơ quan này đang thực hiện công tác tái cấu trúc mạng lưới xe buýt.
Trên cơ sở dự báo sản lượng vận tải hành khách do đơn vị tư vấn nghiên cứu và đề xuất chủng loại phương tiện phù hợp với hạ tầng giao thông trên tuyến, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải) sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có trợ giá trên tuyến xe buýt.
Các tuyến xe buýt đã và đang tổ chức đấu thầu đa phần thuộc nhóm xe buýt nhỏ (30 - 40 chỗ) và trung bình (41 - 50 chỗ) phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu hành khách và kết nối với các tuyến đường có mặt cắt nhỏ.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/tp-hcm-de-xuat-thay-the-xe-buyt-lon-bang-loai-nho-de-chong-tac-duong-6654.html