“Nóng” chuyện sữa học đường khi hàng chục trường dừng cho học sinh sử dụng trong bữa ăn bán trú

Ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, có 44 trường đã tạm dừng cho học sinh uống sữa trong bữa ăn bán trú và hiện đang chờ kết quả kiểm tra về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện.

Phụ huynh lo lắng chất lượng sữa tại trường học

Những ngày qua, nhiều phụ huynh của một số trường mầm non và tiểu học tại huyện Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) phản ánh về chất lượng sữa trong bữa ăn phụ khiến trẻ bị đau bụng, đi ngoài, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Chị Nguyễn Thị Xuân có 2 con (2 tuổi và 4 tuổi) cùng học tại Trường Mầm non Đan Phượng (xã Đan Phượng). Chị Xuân cho hay, đầu năm học, giáo viên có thông báo về loại sữa tươi và sữa chua cho học sinh uống. Sau đó, thỉnh thoảng 2 con chị kêu đau bụng khi được đón từ trường về.

sua-hoc-duong-2-1727347405.jpg
Một phụ huynh cho biết phải đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa (Ảnh: PHCC)

Chị nói chuyện với một số phụ huynh khác thì con họ cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, chị chỉ nghĩ có thể do thay đổi thời tiết. Phải tới khi đọc được thông tin nghi vấn về chất lượng sữa được lan truyền trong các hội nhóm phụ huynh, chị mới giật mình, lo lắng.

Còn chị Nguyễn Thị Nga có con học tại Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng), cho biết chị bắt đầu để ý khi con đi học về nói sữa chua ở trường "nhớt như canh mồng tơi". Sau đó, nhiều cha mẹ khác cũng phản ánh tình trạng tương tự khiến Trường Tiểu học Tân Lập B phải tổ chức họp khẩn.

Trong cuộc họp tối 18/9 ở trường, đại diện hãng sữa đã mời phụ huynh dùng thử sản phẩm sữa tươi và sữa chua để đánh giá chất lượng. Chị Nga cho hay, khi vừa định uống chai sữa tươi, chị thấy một vệt đen ở đáy hộp nên lấy tay lau 2 - 3 lần nhưng không đi.

Lúc này, chị mới nhìn kỹ, phát hiện vệt đen ở bên trong. Chị lắc chai sữa thì vệt đen đó biến mất, để im lại xuất hiện. Chị thắc mắc, nhưng đại diện hãng sữa không giải thích được đó là gì. Một số phụ huynh khác thử sữa chua, xúc lên thấy sợi màu vàng.

Tra thông tin website của công ty sữa trên cho thấy, trụ sở công ty ở huyện Ba Vì, là nhà sản xuất và cung cấp các loại sữa tươi nguyên chất và các sản phẩm từ sữa như sữa chua trân châu, nếp cẩm, nha đam... từ sữa bò. Công ty được cấp giấy chứng nhận GMP (một trong những chứng chỉ quan trọng trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm) vào ngày 10/9.

Liên quan đến việc này, trưa 26/9, ông Vương Văn Lâm - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hoài Đức cho biết, có 44 trường với trên 19.000 học sinh trên địa bàn sử dụng loại sữa trên. Hiện, cả 44 trường này đều tạm dừng cho học sinh uống sữa trong bữa ăn bán trú, đang chờ kết quả kiểm tra về chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện. Việc sử dụng tiếp hay không sẽ do nhà trường và ban phụ huynh quyết định.

sua-hoc-duong-1-1727347405.jpg
Phụ huynh Trường Tiểu học Tân Lập B phản ánh chất lượng sữa sử dụng trong bữa ăn bán trú

Ông Lâm nói thêm, các trường trong huyện dùng sữa này từ năm học 2023 - 2024. Một vài học sinh có triệu chứng đau bụng nhưng qua thăm khám y tế và sổ theo dõi của các nhà trường thì kết luận không rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng hôm 25/9 cho biết, có 34 trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú, số học sinh sử dụng sữa này là hơn 10.800 em từ mầm non đến THCS. Báo cáo nêu không có học sinh nào biểu hiện ngộ độc từ sữa. Trước phản ánh của phụ huynh, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu huyện chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, nắm bắt tình hình làm rõ vấn đề.

Quy trình đấu thầu sữa mập mờ

Quy trình đấu thầu cung cấp sữa cho các trường học là một trong những hoạt động quan trọng nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng an toàn và chất lượng cho học sinh, đặc biệt là học sinh mầm non và tiểu học. Hoạt động này thường được thực hiện theo các quy định của Luật Đấu thầu và các quy định liên quan của Nhà nước, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, và hiệu quả trong việc lựa chọn nhà cung cấp sữa.

sua-hoc-duong-1727347405.jpg
Hộp sữa chua phụ huynh chụp lại được trong cuộc họp với nhà trường ở Đan Phượng hôm 18/9 (Ảnh chụp màn hình, NVCC)

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận nhiều trường học hiện nay tự quyết định lựa chọn mà không qua đấu thầu. Một trong những trường bị phụ huynh phản ảnh chất lượng sữa là Trường Mầm non Đức Thượng (Hoài Đức). Hiệu trưởng trường này đã xác nhận trường sử dụng sản phẩm sữa mà không qua đấu thầu. Quy trình này được áp dụng thông qua việc các công ty thực phẩm nộp hồ sơ, rồi ký kết với nhà trường mà không cần cạnh tranh công khai.

Điều này làm dấy lên những câu hỏi về tính minh bạch, liệu có sự ưu tiên nào cho các nhà cung cấp này mà không xét đến chất lượng sản phẩm. Đa số phụ huynh chia sẻ mong muốn nhà trường sử dụng sản phẩm sữa có thương hiệu, được kiểm định chất lượng rõ ràng.

Thậm chí, nhiều phụ huynh đã chụp lại vỏ chai được cho là con em họ đã sử dụng tại trường, so sánh với bản tiêu chuẩn công bố chất lượng sản phẩm của công ty, tuy nhiên hai số liệu này khác nhau.

Vụ việc này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm cho các trường học. Sức khỏe của học sinh cần được đặt lên hàng đầu. Do đó, mọi quy trình tuyển chọn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm.

Vân Thanh

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nong-chuyen-sua-hoc-duong-khi-hang-chuc-truong-dung-cho-hoc-sinh-su-dung-trong-bua-an-ban-tru-6823.html