Theo kết luận từ Văn phòng Chính phủ tại hội nghị 10 năm phát triển nhà ở xã hội (NOXH), gói tín dụng này sẽ hỗ trợ người dân vay mua, thuê, xây dựng hoặc cải tạo NOXH. Bộ Xây dựng được giao trách nhiệm hoàn tất nghiên cứu và đưa ra giải pháp trong tháng 10.
Mở rộng thêm hỗ trợ về dòng vốn
Nguồn vốn cho gói tín dụng sẽ lấy từ ngân sách địa phương 15.000 tỉ đồng và 15.000 tỉ đồng từ trái phiếu Chính phủ, khác biệt với gói 120.000 tỉ đồng trước đây do các ngân hàng thương mại hỗ trợ.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu gói vay ưu đãi mới với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với lãi vay thương mại, kỳ hạn từ 10 – 15 năm, nhằm hỗ trợ người mua NOXH. Gói này sẽ giúp tạo thêm động lực cho người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.
Theo báo cáo, quá trình giải ngân gói 120.000 tỉ đồng diễn ra khá chậm, chỉ đạt gần 1% sau hơn một năm triển khai. Tổng số tiền giải ngân là 1.344 tỉ đồng, trong đó, 1.295 tỉ đồng dành cho chủ đầu tư tại 12 dự án, phần còn lại là cho người mua nhà.
Ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước, hiện có thêm TP Bank, VPBank, MBBank và Techcombank tham gia, mỗi ngân hàng cam kết 5.000 tỉ đồng, nâng tổng vốn hỗ trợ lãi suất lên 140.000 tỉ đồng. Việc giải ngân chậm có thể ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng một triệu căn NOXH đến năm 2025.
NHNN cho biết các khoản vay NOXH hiện được thực hiện từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền tại các ngân hàng, không phải từ ngân sách nhà nước, nên không thể ưu đãi lãi suất như trước. Tuy nhiên, đã có những biện pháp giảm lãi suất, với lãi suất cho vay hiện nay ở mức 7%/năm cho các chủ đầu tư dự án và 6,5%/năm cho người mua nhà.
Một số ý kiến cho rằng mức lãi suất này không chênh lệch quá lớn so với gói 30.000 tỉ đồng trước đây (5%). Cụ thể, gói này triển khai từ năm 2013 và kết thúc năm 2016 với doanh số cho vay đạt 29.000 tỉ đồng. Đến nay, dư nợ chỉ còn khoảng hơn 7.000 tỉ đồng.
Các gói tín dụng giải ngân chậm trong bối cảnh, tính đến giữa tháng 7 cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn. Nếu tính cả dự án đã khởi công và hoàn thành, cả nước đạt gần 36% chỉ tiêu đến 2025.
Tại Hà Nội và TP. HCM, tốc độ xây dựng NOXH vẫn còn chậm, chỉ đạt khoảng 40% mục tiêu. Đặc biệt, Hà Nội cần xây 18.700 căn đến năm 2025 nhưng hiện chỉ có 3 dự án khởi công và 5 dự án hoàn thành với 5.200 căn, đạt khoảng 37% kế hoạch.
Vẫn cần đa dạng hóa cách tiếp cận
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nguồn vốn vấn đề chủ yếu là cần khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển NOXH để tăng nguồn cung trên thị trường. Theo các nhà đầu tư, thời gian xử lý thủ tục pháp lý kéo dài hơn 2 năm cho dự án NOXH tương đương với dự án nhà ở thương mại, khiến các chủ đầu tư lựa chọn xây dựng nhà ở thương mại vì lợi nhuận cao hơn.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp phát triển NOXH, giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2024 thay thế Nghị định 31/2024, cho phép các nhà đầu tư tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mà không cần chấp thuận đồng thời quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.
Điều này đã gỡ bỏ nút thắt cho nhiều dự án NOXH và nhà ở thương mại vốn bị mắc kẹt từ năm 2021. Từ ngày 1/8/2024, với hiệu lực của Nghị định 100/2024, các địa phương đã có một quy trình thống nhất về đầu tư dự án, từ đề xuất chủ trương, phê duyệt quy hoạch đến giai đoạn hoàn thành, giúp tránh tình trạng mỗi nơi làm theo một cách khác nhau như trước đây.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), NOXH là một phân khúc quan trọng, nên việc tập trung các ưu tiên vào thời điểm này là rất cần thiết, đặc biệt khi giá nhà ở đang neo quá cao như hiện nay. Khi nguồn cung nhà ở vừa túi tiền từ các dự án nhà ở xã hội gia tăng, sẽ giúp giảm nhu cầu về nhà ở thương mại, từ đó giảm áp lực tăng giá nhà trong thời gian qua.
Đồng tình, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư địa ốc Hoàng Quân cũng cho biết, vẫn còn những "khoảng trống" trong việc triển khai các dự án NOXH, nhất là loại hình cho thuê. Dù đã có quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp phát triển loại hình này, nhưng vẫn cần có chính sách lớn hơn từ Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt là về nguồn vốn, thì mới có thể thực hiện được.
Cũng theo ông Tuấn, hệ thống pháp lý hiện đã "mở" hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người thụ hưởng dễ dàng tiếp cận NOXH, nhưng trong quá trình thực hiện, họ vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vấn đề vay vốn, các cán bộ tín dụng thường có tâm lý lo ngại bị thanh tra, kiểm tra, nên yêu cầu rất nhiều thủ tục, khiến khách hàng khó đáp ứng.
"Với mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội hiện nay, người dân có thể chấp nhận, nhưng tôi đề nghị NHNN và các ngân hàng thương mại cần tăng cường công tác tập huấn, hỗ trợ, thậm chí kiểm tra các chi nhánh để hiểu rõ nguyên nhân khiến dòng vốn không đến được với người dân, từ đó có các giải pháp khắc phục kịp thời," ông Tuấn nhấn mạnh.
Quang Đăng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/phan-khuc-nha-o-xa-hoi-sap-don-them-30000-ti-dong-von-tin-dung-7021.html