Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn - biểu tượng kiến trúc mới được TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư

Cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được UBND TP. HCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự kiến trong năm 2025, công trình này sẽ được khởi công xây dựng.

Mới đây, UBND TP. HCM đã ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Dự án do Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood lập và tài trợ toàn bộ chi phí liên quan trong quá trình thực hiện.

Trước đó vào hồi tháng 12/2023, doanh nghiệp này đã ký biên bản thỏa thuận về việc tài trợ công trình cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Nhằm tiến hành lập đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, sau khi ký kết thỏa thuận tài trợ, Nutifood đã lựa chọn Liên danh Công ty TNHH Chodai & Kiso - Jiban Việt Nam, Công ty TNHH Chodai, Công ty TNHH Kiến trúc Niwa là đơn vị tư vấn.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông mà còn được xem là biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM, mang giá trị gắn kết giữa hai không gian văn hóa lịch sử Q. 1 và TP. Thủ Đức.

cau-di-bo-1000-ty-1-1728102089.jpg
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được xem là biểu tượng kiến trúc mới của TP. HCM

Khi hoàn thiện, công trình này sẽ kiến tạo không gian văn hóa thân thiện, an toàn, tiện nghi, thu hút người dân và du khách tới tham quan. Bên cạnh đó giúp từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cầu được xây dựng ở vị trí giữa cầu Ba Sơn và hầm vượt sông Sài Gòn, nối từ Q. 1 sang KĐT mới Thủ Thiêm của TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự án 996,970 tỷ đồng.

Điểm đầu cầu nằm trong khu vực Công viên bến Bạch Đằng (Q.1), điểm cuối nằm tại công viên bờ sông giáp đường Nguyễn Thiện Thành tại KĐT mới Thủ Thiêm.

Cầu đi bộ có tổng chiều dài khoảng 261m, dầm thép, nhịp chính vòm treo dây văng dài khoảng 187m. Cầu chính có mặt cắt ngang với chiều rộng thay đổi từ 7 - 11m, khổ thông thuyền 80x10m.

cau-di-bo-1000-ty-1728102564.jpg
Vị trí sẽ xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (Ảnh: Châu Tuấn – Tuổi trẻ Online)

Ở phía Q. 1, phần cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m, nhịp cầu dẫn ram dốc đúc bằng dầm bê tông cốt thép. Tại phía TP. Thủ Đức, cầu dẫn và ram dốc gồm 2 nhánh. Trong đó, nhánh 1 dài khoảng 290m, rộng 6m, dầm thép. Nhánh 2 dài khoảng 165m, rộng 6m, dầm thép kết hợp dầm bê tông cốt thép.

Hạ tầng kỹ thuật của công trình bao gồm: hệ thống điện chiếu sáng giao thông, thoát nước trên cầu, các kết cấu, thiết bị thang máy và các chức năng tiện ích khác. Thành phố sẽ xem xét triển khai ở giai đoạn sau khi công trình được xác lập sở hữu toàn dân đối với hạng mục chiếu sáng mỹ thuật và mái che Ethylene Tetrafluoroethylene.

Cây cầu lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh lá dừa nước và được tối ưu hệ thống cột dưới lòng sông, đưa hệ cột về gần bờ tạo tĩnh không dưới nước lớn, tránh va đập tốt và đảm bảo tàu thuyền có thể lưu thông qua lại.

cau-di-bo-1000-ty-2-1728102688.jpg
Công trình dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2027, quy mô gần 1.000 tỷ đồng

Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP. HCM đánh giá, kiến trúc của cây cầu là phương án độc đáo, giản dị, ấn tượng nhưng có sự hấp dẫn đối với người dân và du khách. Bên cạnh đó, Sở cũng đánh giá phương án đầu tư có tính khả thi.

Hiện UBND TP.HCM giao các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các bước tiếp theo và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện dự án theo đúng các nội dung đã phê duyệt. Còn phía Nutifood chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng chủ trương đã được phê duyệt. Sau khi công trình hoàn thiện, Nutifood thực hiện bàn giao theo quy định.

Tiến độ dự án thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2027. Trong năm 2024 sẽ triển khai các bước tiếp theo như: lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Dự kiến năm 2025, cầu đi bộ sẽ khởi công xây dựng. Năm 2026 – 2027 sẽ thi công hoàn thiện, nghiệm thu và quyết toán.

Hà Lan

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/cau-di-bo-qua-song-sai-gon-bieu-tuong-kien-truc-moi-duoc-tp-hcm-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-7034.html