Sáng ngày 10/10, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM (thuộc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP. HCM) đã tổ chức chương trình "Sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến lần 06". Chương trình này nhằm hỗ trợ người lao động, đặc biệt là những người thất nghiệp, tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp tại TP. HCM cũng như các khu vực lân cận. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội tìm kiếm ứng viên phù hợp cho nhu cầu tuyển dụng của họ.
Bên cạnh đó, sàn giao dịch việc làm cũng hỗ trợ việc kết nối và trao đổi nguồn lao động giữa các địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp tại TP. HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Tham gia chương trình, chị Hà Mỹ Hạnh (27 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết chưa tìm được công việc ưng ý vì mức lương cơ bản quá thấp. Chị mong tìm được một công việc có thu nhập đủ để chi trả tiền trọ và ăn uống ở thành phố. Nếu có chút dư, chị cũng muốn gửi về quê giúp gia đình, bởi cha mẹ đã lớn tuổi. Nhưng hiện tại, chuyện tìm việc khó khăn, lại còn nhiều người cạnh tranh.
Ông Vũ Văn Bình (66 tuổi, TP. Thủ Đức) đưa con trai đến sàn giao dịch để tìm việc. Con trai ông tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin nhưng đã hơn 6 tháng vẫn chưa tìm được việc. Ông Bình chia sẻ, con ông tốt nghiệp bằng giỏi và có chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng vẫn không có công việc. Điều này khiến ông rất buồn.
Ông Bình thở dài bảo, thị trường lao động hiện tại thật khắc nghiệt, giỏi chưa chắc đã có việc. Thậm chí, lương của người tốt nghiệp đại học còn thấp hơn cả công nhân hay nông dân. Nhiều nơi chỉ trả lương 3 - 4 triệu đồng trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm quý III, hiện có khoảng 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Con số này đã giảm 22.200 người so với quý trước và 24.300 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khoảng 2,24%, cũng thấp hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị vẫn giữ dưới 3%.
Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình này có được nhờ số doanh nghiệp gia nhập thị trường cao hơn số doanh nghiệp rút lui và sự khởi sắc trong xuất nhập khẩu, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc trong quý này.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, cùng với nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả đã thúc đẩy hoạt động thương mại, vận tải và du lịch.
Trong báo cáo "Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên năm 2024" của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên toàn cầu vào năm 2023 đạt mức 13% và dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 12,8% trong năm 2024 và 2025.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong quý III năm nay đạt 7,75%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu nhưng vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, trong quý này, cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo, chiếm 10,7% tổng số thanh niên. Con số này tăng thêm 75,3 nghìn người so với quý trước, nhưng giảm 156,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Thường vào quý III, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo có xu hướng tăng do nhiều thanh niên mới tốt nghiệp đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp và đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ môi trường học tập sang thị trường lao động. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 12,5%, cao hơn so với 7,9% ở khu vực thành thị. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên (12,2%) cũng cao hơn so với nam thanh niên (9,4%).
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tình trạng thất nghiệp ở nhóm tuổi từ 15 - 24 vẫn là một thách thức lớn cho thị trường lao động Việt Nam. Kết quả từ báo cáo của Bộ cho thấy, trung bình cứ 10 thanh niên thì có 1 người bị thất nghiệp. Đáng lo ngại, lao động trẻ có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với các nhóm tuổi khác.
Tổng cục Thống kê cũng nhận định rằng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo vẫn duy trì ở mức cao, phản ánh những khó khăn mà sinh viên gặp phải khi tìm việc sau khi tốt nghiệp.
Vì vậy, cần đặc biệt chú trọng đến việc định hướng và phân luồng nghề nghiệp cho thanh niên. Sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được tăng cường để tạo ra nhiều cơ hội việc làm phù hợp với ngành nghề mà sinh viên theo học, từ đó giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực và góp phần cân bằng cung - cầu lao động trên thị trường.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/van-de-viec-lam-van-rat-dang-lo-ngai-khi-cu-10-thanh-nien-thi-1-nguoi-that-nghiep-7199.html