Ngày 18/10, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về việc thanh toán chi phí thuốc và thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh. Theo đó, thông tư này quy định rõ các trường hợp thuốc và thiết bị y tế thuộc phạm vi thanh toán, điều kiện thanh toán, mức thanh toán, cũng như hồ sơ và thủ tục cần thiết.
Cụ thể, về điều kiện thanh toán, tại thời điểm kê đơn thuốc và chỉ định sử dụng thiết bị y tế, phải đảm bảo các điều kiện sau đây: Thứ nhất, không có thuốc hoặc thiết bị y tế do đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đồng thời, tại cơ sở khám chữa bệnh, không có thuốc thương mại nào chứa hoạt chất mà người bệnh được kê đơn, hoặc có cùng hoạt chất nhưng khác nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế hoặc đường dùng mà không thể thay thế để kê đơn cho người bệnh. Đối với thiết bị y tế, điều kiện là khi không có thiết bị y tế mà người bệnh được chỉ định sử dụng và cũng không có thiết bị thay thế.
Thứ hai, không chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác trong các trường hợp sau đây: Tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý của người bệnh được xác định không đủ điều kiện để chuyển viện. Cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị đang trong thời gian cách ly y tế theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cơ sở khám chữa bệnh nơi người bệnh đang điều trị là cơ sở cấp chuyên sâu.
Thứ ba, không thể điều chuyển thuốc và thiết bị y tế giữa các cơ sở khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, thuốc và thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định phải phù hợp với phạm vi chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh và đã được thanh toán chi phí bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Thứ năm, thuốc và thiết bị y tế được kê đơn, chỉ định sử dụng phải thuộc phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định. Ví dụ, đối với thuốc, mức thanh toán sẽ dựa trên số lượng và đơn giá ghi trên hóa đơn mua tại cơ sở kinh doanh dược. Trường hợp thuốc có quy định về tỷ lệ hoặc điều kiện thanh toán thì sẽ thực hiện theo tỷ lệ và điều kiện đó.
Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Trường hợp người bệnh nhập viện để khám và điều trị trước ngày thông tư có hiệu lực nhưng kết thúc điều trị sau ngày thông tư có hiệu lực, việc thanh toán sẽ tuân theo các quy định của thông tư này.
Trước đó, tình trạng bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải tự mua thuốc bên ngoài được đặc biệt quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. HCM Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng vẫn phải tự mua thuốc bên ngoài không chỉ làm gia tăng gánh nặng tài chính mà còn tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến nguồn gốc và chất lượng của thuốc.
Trong một buổi chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhấn mạnh, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cần được đảm bảo. Theo nguyên tắc, các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc cho bệnh nhân và không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong quá trình điều trị nội trú.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay, nếu cho phép người bệnh tự mua thuốc, có thể phát sinh nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn cho bệnh nhân, cũng như khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp khi xảy ra tai biến hoặc rủi ro. Điều này còn có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng chỉ định, bệnh nhân phải mua thuốc với giá cao và khó xác định trong quá trình thanh toán.
Theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, để được thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh từ cơ quan bảo hiểm xã hội với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người bệnh cần chuẩn bị một hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp.
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ bản sao (kèm theo bản gốc để đối chiếu) như thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân theo quy định; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám chữa bệnh mà người bệnh đề nghị thanh toán; và các hóa đơn, chứng từ liên quan.
Người bệnh, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định sẽ trực tiếp nộp hồ sơ này cho cơ quan BHYT cấp huyện nơi cư trú.
BHYT cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập biên bản tiếp nhận và hướng dẫn người bệnh bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ.
Trong vòng 40 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHYT phải hoàn thành việc giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh. Nếu không thanh toán, cơ quan BHYT phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Du Vũ
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-benh-tu-mua-thuoc-se-duoc-bao-hiem-xa-hoi-chi-tra-truc-tiep-7382.html