Báo động người trẻ tuổi đột quỵ ngày càng nhiều

Theo thống kê, cứ 4 người trên 25 tuổi thì có 1 người có khả năng mắc đột quỵ trong tương lai. Thực trạng này không chỉ là hồi chuông cảnh báo về sức khỏe cộng đồng mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cao nhận thức và phòng ngừa đột quỵ, đặc biệt khi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng ở người trẻ.

Thông tin từ Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Trong đó, rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Trong hội thảo giới thiệu chương trình phòng ngừa nhồi máu cơ tim và đột quỵ diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội, GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cũng cho biết, bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên toàn cầu và tại Việt Nam, trong đó bệnh mạch vành và đột quỵ luôn chiếm tỷ lệ cao.

dot-quy-1-1730032476.jpg
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam

Ứớc tính cứ 100 người tử vong thì có hơn 30 người là do bệnh tim mạch, trung bình 1,5 giây lại có một người chết vì nguyên nhân này. Với số ca tử vong lên tới 20,5 triệu người, tim mạch được xem là "kẻ giết người số 1".

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới. Đáng báo động, đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn gia tăng đáng kể ở người trẻ. Cứ 4 người trên 25 tuổi tại Việt Nam thì có 1 người có nguy cơ cao mắc đột quỵ trong tương lai. Lối sống hiện đại, thiếu vận động và thay đổi chế độ ăn uống là những yếu tố thúc đẩy nguy cơ này.

Bác sĩ Đỗ Doãn Lợi cho hay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, có thể tắc mạch não, xuất huyết não. Diễn biến về sau cũng hết sức nặng nề, nếu không tử vong, hôn mê thì người bệnh có thể gặp rất nhiều biến chứng (suy giảm nhận thức, rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người, động kinh, co giật…). Đây là gánh nặng vô cùng lớn cho gia đình và xã hội

Ngoài ra, nhồi máu cơ tim cũng là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Trên thế giới, số ca nhồi máu cơ tim ở người trẻ trong độ tuổi 20 - 30 đang gia tăng, ước tính có 20% số ca nhồi máu cơ tim là ở người dưới 40 tuổi. Tỷ lệ tử vong và biến chứng ở người trẻ tương đương với người lớn tuổi.

dot-quy-1730032476.jpg
Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà còn gia tăng đáng kể ở người trẻ

Theo bác sĩ Đỗ Doãn Lợi, nhồi máu cơ tim và đột quỵ có triệu chứng khác nhau, nhưng cùng chia sẻ các yếu tố nguy cơ. Đây là những bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi nhưng đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Các yếu tố nguy cơ chính đều có thể điều chỉnh để giảm tỷ lệ mắc bệnh và việc phòng ngừa là hoàn toàn khả thi.

Cuộc sống của chúng ta đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, mức sống ngày càng được cải thiện. Trước đây, người Việt không tiêu thụ nhiều thịt, mỡ như bây giờ, cũng không có thức ăn nhanh hay nước ngọt, nên vóc dáng thường thanh mảnh.

Giờ đây, chúng ta phải đối mặt với nhiều yếu tố nguy cơ như đường máu cao, huyết áp, mỡ máu, stress, béo phì và lười vận động, tất cả đều làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Trong khám chữa bệnh hàng ngày, ông thường gặp các bạn trẻ khoảng 20 tuổi đã mắc tiểu đường, mỡ máu cao.

TS.BS Azumi Ishizaki - chuyên khoa Nội thuộc Hiệp hội Nội khoa Nhật Bản cho biết, bệnh tim mạch là tên gọi chung cho các bệnh liên quan đến tim và hệ thống mạch máu, và đang gia tăng từng năm ở Việt Nam, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Số ca tử vong do bệnh tim mạch nhiều hơn hẳn so với ung thư. Nhiều người thường nghĩ ung thư là căn bệnh đáng sợ. Nhưng thực tế, người Việt nên chú ý nhiều hơn đến bệnh tim mạch.

Ông cũng cho rằng, bệnh tim mạch không phải là bệnh xuất hiện đột ngột. Trước khi xảy ra đột quỵ hay nhồi máu cơ tim, cơ thể thường đã có những dấu hiệu cảnh báo. Vì vậy, việc dự phòng đóng vai trò rất quan trọng. Nhật Bản và một số nước phát triển đã thành công trong việc giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch nhờ vào các biện pháp dự phòng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ (mỡ máu, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì) cùng với chế độ ăn lành mạnh và lối sống năng động.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng ngừa bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đường và duy trì vận động là vô cùng quan trọng. Các quốc gia như Nhật Bản đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như tăng cường chế độ ăn uống cân bằng, kiểm soát các yếu tố nguy cơ như mỡ máu, huyết áp, tiểu đường và duy trì lối sống năng động.

Trong bối cảnh đột quỵ đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp dự phòng mạnh mẽ hơn. Việc thay đổi lối sống, thực hiện các chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời duy trì vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong tương lai.

Du Vũ

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/bao-dong-nguoi-tre-tuoi-dot-quy-ngay-cang-nhieu-7580.html