Người dân miền Trung chật vật chống chọi ngập lụt sau bão Trà Mi

Do ảnh hưởng của bão Trà Mi, hàng trăm hộ dân đã phải di chuyển đến nơi an toàn do nước ngập gần chạm nóc nhà. Nỗ lực cứu trợ đang diễn ra khẩn trương, nhưng nhiều đoàn thiện nguyện buộc phải tạm dừng để đảm bảo an toàn. Dự báo mưa lớn vẫn tiếp tục gây khó khăn cho người dân trong những ngày tới.

Hàng chục nghìn căn nhà vẫn bị ngập

Tính đến 7 giờ sáng ngày 29/10, bão Trà Mi đã khiến 34.201 hộ dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, trong đó hiện còn 34.020 nhà ngập. Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 32.767 nhà ngập, trong khi Quảng Trị có 1.253 nhà bị ngập.

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, lượng mưa ghi nhận từ 19 giờ ngày 28/10 đến 5 giờ sáng 29/10 dao động từ 50 - 100 mm. Mực nước sông Kiến Giang tại trạm Lệ Thủy vẫn ở mức báo động 3, đạt 1,38 m.

bao-so-6-1730177053.jpg
Lực lượng chức năng gặp khó khăn trong quá trình cứu hộ vì mưa to, nước lũ chảy xiết (Ảnh: Hoàng Nam/Lao động)

Địa phương bị ngập nghiêm trọng nhất là huyện Lệ Thủy có 19.762 nhà, đặc biệt 8.018 nhà ngập sâu hơn 1m. Các khu vực khác như huyện Quảng Ninh ghi nhận 12.005 nhà ngập và TP. Đồng Hới có 1.000 nhà.

Bên cạnh đó, 58 thôn bản vẫn bị cô lập, chủ yếu tại các xã Lâm Thủy, Kim Thủy (huyện Lệ Thủy) và Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh). Tính đến rạng sáng 29/10, tỉnh đã di dời 1.249 hộ (3.681 nhân khẩu) đến nơi an toàn và sơ tán tại chỗ cho 9.123 hộ. Đáng buồn, đã có 2 người chết và 2 người mất tích do lũ.

Thống kê thiệt hại cho thấy, Quảng Bình mất 300ha hoa màu, 4.000 con gia cầm, 310 ha nuôi trồng thủy sản, 3 tàu cá bị chìm và 1,5 km kè biển bị sạt lở.

Sáng 29/10, mưa đã giảm, nước ở huyện Lệ Thủy đang rút chậm. Nhưng vào đêm 28/10, nhiều người dân đã gọi điện và đăng lên trên mạng xã hội cầu cứu khi mưa quá lớn.

Người dân huyện Lệ Thủy cho biết, nước lũ hiện chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử năm 2020 khoảng 50 - 63 cm, tùy từng địa điểm. Nước dâng cao gần chạm nóc các nhà cấp 4 khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa để di chuyển đến nơi an toàn.

Xuồng là phương tiện duy nhất để người dân vùng lũ huyện Lệ Thủy di chuyển ra ngoài tìm kiếm lương thực, nước uống hoặc giúp đỡ những hàng xóm có thể gặp nạn do lũ. Ở một số tuyến đường liên thôn, xã, nước đã dâng cao hơn 2m.

bao-so-6-1-1730177053.jpg
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi an toàn (Ảnh: Thanh Lộc)

Để ứng phó, lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình, đặc biệt ở huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh đã triển khai lực lượng và phương tiện vào vùng ngập sâu để hỗ trợ người dân. Lực lượng đã huy động 11 xuồng, ca nô, cùng 500 cán bộ, chiến sĩ từ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và dân quân cơ động để di dời dân. Bộ đội biên phòng cũng đã điều ca nô từ các đồn biển để cứu trợ.

Thượng tá Trần Anh Tuấn - Trưởng công an huyện Lệ Thủy cho biết, lực lượng vũ trang địa phương đã huy động tối đa nhân lực và phương tiện vào các vùng ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại cho người dân. Hiện nay, lực lượng công an và quân đội đang phối hợp với chính quyền địa phương huy động tối đa nhân lực và thiết bị để tiếp tế cho người dân bị cô lập, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", quyết tâm không để ai đói khát.

Tạm dừng hoạt động cứu trợ

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, hàng chục ngàn căn nhà bị ngập nước và cô lập tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình), nhiều đoàn từ thiện đã nhanh chóng đến vùng lũ để hỗ trợ công tác cứu hộ và tiếp tế thực phẩm cho người dân.

Như ngày 28/10, nhiều nhóm cứu trợ từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác trong Quảng Bình đã sử dụng xuồng, cano, áo phao cùng các nhu yếu phẩm để giúp đỡ người dân huyện Lệ Thủy.

bao-so-6-2-1730177053.jpg
Hoàn lưu sau bão khiến hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập (Ảnh: Nhật Anh)

Ông Lê Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, một số nhóm cứu trợ đã liên hệ với chính quyền để tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên, do tình hình mưa lũ phức tạp, chính quyền huyện đã đề nghị tạm dừng hoạt động cứu hộ để đảm bảo an toàn cho các đoàn thiện nguyện.

Ông Sơn nhấn mạnh, chính quyền địa phương rất biết ơn sự giúp đỡ kịp thời của các nhóm thiện nguyện. Tuy nhiên, nước lũ trong các khu dân cư đang ở mức cao và các nhóm cứu hộ từ xa thường không quen với dòng nước và địa hình tại đây, điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi đưa xuồng, cano vào vùng ngập.

Chính quyền huyện Lệ Thủy đề xuất khi mực nước đạt mức an toàn, các đoàn có thể quay lại hỗ trợ người dân. Về công tác phòng chống lũ, các lực lượng chức năng đang phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn, chủ động ứng phó với phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Trước đó, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 99 hộ dân (373 nhân khẩu) khỏi khu vực ngập sâu đến nơi an toàn. Các địa phương trong huyện cũng đã chủ động di dời người dân từ các căn nhà cấp 4 lên các nhà cao tầng để tránh lũ.

Người dân vùng "rốn lũ" Lệ Thủy đã tích trữ lương thực và nước uống để phòng trường hợp ngập lụt kéo dài, rút kinh nghiệm từ các trận lũ trước. Đến rạng sáng 29/10, mực nước lũ đang có dấu hiệu rút xuống ở nhiều nơi.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy - chuyên gia thời tiết nhận định, mặc dù xác suất chưa chắc chắn do phụ thuộc vào lượng nước về, nhưng với kịch bản mưa như hiện tại, lũ tại huyện Lệ Thủy có thể dâng lên bằng hoặc cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2020. Ông khuyến cáo, các gia đình trú ẩn trong nhà lợp ngói và tôn cấp 4 nên tìm đường thoát khi cửa chính bị bít bởi nước lũ. Tốt nhất là trú ẩn tại những nơi có nhà 2 tầng kiên cố hoặc liên hệ với ban chỉ huy PCTT & TKCN cấp xã để được hỗ trợ.

Theo dự báo từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 30/10, khu vực phía Nam tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Đêm 30/10, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam có khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, với lượng mưa từ 20 - 40 mm, có nơi trên 50mm. Mưa lớn có thể gây ra tình trạng ngập úng ở các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất trên sườn dốc.

Phúc Hưng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-dan-mien-trung-chat-vat-chong-choi-ngap-lut-sau-bao-tra-mi-7614.html