Chấn chỉnh thủ tục đăng ký biến động nhà đất: Giảm nhẹ thủ tục cho người dân

Ông Nguyễn Hải Long - cố vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH AGL cho biết, đến nay, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn không quy định việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi Văn phòng Đăng ký Đất đai thực hiện đăng ký hoặc sang tên nhà đã có giấy chứng nhận.

Trong những năm qua, người dân TP. HCM gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục đăng ký biến động (mua bán, tặng cho, thế chấp...) với nhà ở đã có giấy chứng nhận. Như trường hợp của ông K.H. (trú tại TP. Thủ Đức), từ đầu tháng 8/2024, ông đã nhiều lần bị Văn phòng Đăng ký Đất đai chi nhánh quận 1 trả lại hồ sơ đăng ký biến động để cập nhật sang tên căn nhà tại phường Cầu Kho (quận 1), lần gần nhất vào giữa tháng 10/2024.

Ông H. cho biết, cuối tháng 7/2024, vợ chồng ông mua căn nhà từ ông T. tại phường Cầu Kho. Căn nhà này có giấy chứng nhận số CH00214, được UBND quận 1 cấp năm 2013. Quá trình sử dụng, căn nhà đã được sửa chữa và có một số thay đổi so với hiện trạng trên giấy chứng nhận.

nha-dat-1-1731239774.jpg
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM  yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi xử lý thủ tục đăng ký biến động đất đai

Ngay sau khi mua nhà, ông H. đã nộp hồ sơ để cập nhật sang tên tại Văn phòng Đăng ký Đất đai chi nhánh quận 1. Ngày 1/8, văn phòng đã cử hai nhân viên cùng một cán bộ phường Cầu Kho đến kiểm tra hiện trạng căn nhà và lập biên bản.

Biên bản ghi nhận hiện trạng căn nhà có một số thay đổi so với giấy chứng nhận, cụ thể tầng 2 bị thụt vào, tầng 3 có phần xây dựng tại khoảng lùi. Do sai khác này, hồ sơ của ông H. được yêu cầu bổ sung và xử lý diện tích xây dựng sai. Tuy nhiên, qua nhiều lần nộp lại, hồ sơ vẫn liên tục bị trả về. Ông H. phải lên văn phòng nhận và nộp lại hồ sơ vào các ngày 1/10, 7/10 và 15/10.

Đáng chú ý, vào ngày 17/10, bà Bùi Thị Bích Tuyền - Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố đã có văn bản phản hồi hướng dẫn chi nhánh quận 1 về thủ tục kiểm tra hiện trạng nhà ở và công trình xây dựng khi đăng ký biến động, khẳng định luật không quy định việc kiểm tra hiện trạng là trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký Đất đai.

Đến đầu tháng 11/2024, vợ chồng ông H. mới nhận được giấy chứng nhận đã cập nhật sang tên căn nhà. Quá trình nộp và trả hồ sơ khiến chúng tôi vô cùng khổ sở.

Trước tình trạng này, mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã có văn bản gửi đến Văn phòng Đăng ký Đất đai TP. HCM và các chi nhánh, yêu cầu chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở và công trình xây dựng khi xử lý thủ tục đăng ký biến động về đất đai.

nha-dat-1731239774.jpg
Luật Đất đai không quy định việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi đăng ký hoặc sang tên nhà đã có giấy chứng nhận

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn phản ánh về việc một số chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thực hiện kiểm tra hiện trạng khi giải quyết hồ sơ đăng ký biến động cho nhà ở và công trình xây dựng đã có chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ. Việc này tạo thêm thủ tục không cần thiết, đi ngược lại chủ trương cải cách hành chính và không đúng quy định, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Vì vậy, Sở đề nghị Văn phòng Đăng ký Đất đai và các chi nhánh tại các quận, huyện và TP Thủ Đức tuân thủ đúng quy định khi xử lý hồ sơ đăng ký biến động đối với nhà ở và công trình xây dựng đã được chứng nhận quyền sở hữu trên sổ đỏ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên Báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hải Long - cố vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH AGL cho biết, Luật Đất đai 2013 quy định rõ trách nhiệm đăng ký sử dụng đất thuộc về người sử dụng đất.

Đối với nhà ở trên đất, theo Luật Nhà ở 2005 và các quy định hiện hành, người dân và doanh nghiệp phải xin giấy phép xây dựng (trừ các trường hợp miễn phép) và phải xây dựng theo đúng giấy phép. Nhà ở sẽ được đăng ký quyền sở hữu trên đất, còn gọi là sổ hồng.

Nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai 2013 cũng chỉ rõ Văn phòng Đăng ký Đất đai chỉ thực hiện xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết. Như vậy, đến nay, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn không quy định việc kiểm tra hiện trạng nhà ở khi Văn phòng Đăng ký Đất đai thực hiện đăng ký hoặc sang tên nhà đã có giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, quy chế phối hợp là văn bản dưới luật nên không được phép trái với quy định của luật, do đó cần phải được điều chỉnh ngay.

Trước động thái chấn chỉnh việc kiểm tra hiện trạng nhà ở đối với hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai từ Sở Tài nguyên và Môi trường, rất nhiều người dân TP. HCM thở phào vì các thủ tục khi đi đăng ký biến động đất đai sẽ đơn giản hơn.

Vũ Dũng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/chan-chinh-thu-tuc-dang-ky-bien-dong-nha-dat-giam-nhe-thu-tuc-cho-nguoi-dan-7863.html