Cụ thể, theo dữ liệu được trích từ hệ thống Sổ đăng ký nhận dạng thiết bị tập trung (CEIR) của Indonesia, tính đến tháng 11/2024 đã có khoảng 12.000 chiếc iPhone 16 được nhập khẩu vào nước này.
Theo Febri Hendri Antoni Arif, Người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Indonesia cho biết, có 4 tuyến đường chính để đưa điện thoại thông minh mới nhất của Apple vào Indonesia. Trong đó, tuyến đường đầu tiên là thông qua việc cấp IMEI chính thức của Bộ Công nghiệp nước này. Tuyến đường thứ hai là thông qua hành lý cá nhân mà hành khách từ nước ngoài đến (hành lý xách tay), tuy nhiên với diện này, mỗi người chỉ được mang tối đa 2 chiếc iPhone 16 và bị cấm bán lại.
Tuyến đường thứ ba là thông qua giấy phép ngoại giao, trong đó những cá nhân có tư cách ngoại giao có thể xin giấy phép từ Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số (Komdigi) để nhập khẩu thiết bị. “Đây là giấy phép dành riêng cho các nhà ngoại giao”, Febri Hendri Antoni Arif cho biết.
Tuyến đường thứ tư là thông qua các nhà mạng di động, nơi các nhà mạng có thể nhập khẩu một số lượng iPhone 16 giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Ông Febri Hendri Antoni Arief đã xác nhận hệ thống CEIR đã ghi nhận hơn 12.000 IMEI của iPhone 16 và con đường nhập cảnh phổ biến nhất đối với sản phẩm này là thông qua hải quan. Tuy nhiên, ông cho biết cần phải phân tích chi tiết hệ thống trung tâm dữ liệu để xác nhận con số chính xác.
Trước đó, Tổng cục Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt (DJBC) thuộc Bộ Tài chính nước này đã tuyên bố rằng tính đến tháng 10/2024, đã có 5.448 chiếc iPhone 16 nhập khẩu vào Indonesia. Trưởng phòng Nhập khẩu của DJBC là Chotibul Umam, giải thích vào ngày 10/1 rằng những chiếc điện thoại này đến thông qua con đường hàng hóa xách tay và hàng hóa vận chuyển.
Kể từ tháng 10/2024, Indonesia đã cấm bán iPhone 16 series trong cả nước. Sản phẩm này mới chỉ được ra mắt toàn cầu vào ngày 10/9 và mới chỉ bắt đầu được giao hàng sau đó ít ngày. Lệnh cấm bán iPhone 16 được đưa ra đã chặn đứng khả năng phát triển doanh số của Apple tại nước này.
Để gỡ bỏ lệnh cấm, Apple đã từng bước thỏa hiệp, nâng cao mức đầu tư vào nước này lên con số 1 tỷ USD, cao gấp 10 lần mức dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm hài lòng các quan chức Indonesia. Theo đó, Apple dự kiến xây dựng 1 nhà máy sản xuất Airtag – chỉ là một phụ kiện, không thể đáp ứng yêu cầu 40% tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm iPhone bán ra. Vụ việc cho đến nay vẫn chưa giải pháp cuối cùng nào được đưa ra để giải quyết vụ việc.
Apple, công ty không có cơ sở sản xuất tại Indonesia mặc dù đất nước này có thị trường đáng kể với 280 triệu người, đã điều hành các học viện phát triển ứng dụng tại đây kể từ năm 2018. Để đáp ứng các yêu cầu về nội dung địa phương của Indonesia, công ty phải gia hạn các cam kết đầu tư của mình sau mỗi ba năm. Cam kết 10 triệu USD trước đó của công ty đã kết thúc vào năm 2023, đòi hỏi một thỏa thuận mới cho giai đoạn 2024-2026.
Minh Châu