Chọn về quê sớm
Chị Nguyễn Thị Thanh (TP. Thủ Đức, TP. HCM) cho biết, chiều ngày 20/1, chị cần di chuyển từ đường Phạm Văn Đồng về nhà ở đường Nguyễn Thị Định nên đã vào ứng dụng đặt xe để tìm tài xế. Ứng dụng liên tục dò tìm tài xế nhưng không thành công. Chị Thanh nhận được thông báo "vui lòng cho bác tài thêm chút thời gian để nhận cuốc" hoặc "đợi một chút nhé".
Phải hơn 30 phút sau, chị mới có thể bắt được một chuyến xe công nghệ. Chị Thanh bảo, dù không phải giờ cao điểm, mức giá cước cho quãng đường dài khoảng 8,5km dao động từ 230.000 - 330.000 đồng, nhưng chị vẫn gặp khó khăn trong đặt xe.
Tương tự, anh Trần Minh Huy (quận Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, vào ngày 19/1, khi cần di chuyển vào trung tâm quận 1, anh đã thử đặt xe nhiều lần trên các ứng dụng Grab và Be nhưng không tìm được tài xế. Anh Huy cho rằng, tình trạng kẹt xe tại TP. HCM có thể là nguyên nhân khiến nhiều tài xế tắt ứng dụng hoặc bỏ chuyến không đón khách.
Thực tế, tình trạng tắc đường cận Tết, cùng với quy định xử phạt giao thông mới khiến không ít tài xế công nghệ chọn nghỉ sớm. Anh Lê Văn Tuân (Bình Tân, TP. HCM) là một trường hợp như thế.
Theo anh Tuân, người dân đi lại cận Tết nhiều, tài xế như anh dễ dàng có đơn nhưng thu nhập lại giảm đi vì tắc đường và sợ bị phạt. Do đó, anh quyết định nghỉ sớm về quê. Anh Tuân bảo, bị phạt 1 lần thôi cũng bằng cả tháng vất vả làm việc.
Anh Nguyễn Minh Hảo (quận 8, TP. HCM) cũng cho hay, để có thêm tiền chi tiêu Tết, anh không ngại nhận bất kỳ đơn hàng nào. Tuy nhiên, năm nay, áp lực giao thông những ngày giáp Tết khiến công việc giao hàng trở nên khó khăn hơn.
Năm ngoái, việc giao hàng khá ổn định, nhưng năm nay kẹt xe nhiều và quy định về chất lượng, phạt cũng khắt khe hơn. Mỗi đơn hàng đều có thời gian giao nhận nhất định, nếu kẹt xe thì dù có cố gắng đến đâu cũng không thể tránh khỏi việc trễ giờ. Đã vậy, ký trước thì bị phạt thao tác, đến nơi giao hàng thì lại trễ. Vì thế, anh quyết định về quê sớm.
Anh Hảo chia sẻ, anh về sớm để phụ gia đình làm bánh Tết. Hai năm trước, anh ở lại Sài Gòn đến tận giao thừa, nhưng năm nay tôi sẽ về đón năm mới với cả gia đình.
Nhu cầu tăng, thiếu tài xế
Liên quan đến tình trạng khó khăn trong đặt xe qua ứng dụng, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, đại diện Grab cho biết nhu cầu di chuyển của hành khách tại TP. HCM tăng mạnh trước Tết Nguyên đán khiến các tài xế của hãng gặp một số khó khăn trong việc hoạt động. Các tài xế hiện phải mất nhiều thời gian hơn để đón khách và hoàn thành cuốc xe, dẫn đến việc khách hàng khó đặt được dịch vụ, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Về thông tin khách hàng cho rằng tài xế tắt app, đại diện Grab khẳng định tài xế vẫn đang hoạt động tích cực và công ty đã triển khai một số chương trình thưởng để khuyến khích đối tác, song song với các chương trình khuyến mãi cho người dùng.
Đại diện Be Group cũng cho hay, nhu cầu sử dụng xe công nghệ trong thời gian này đã tăng đột biến, chủ yếu do người dân đi lại trong dịp Tết, mua sắm và chuẩn bị cho các chuyến đi. Tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các khu vực trung tâm vào giờ cao điểm khiến hành khách khó bắt xe và thời gian đón, hoàn thành chuyến đi kéo dài, làm giảm năng suất của tài xế.
Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Be Group đang cải tiến bản đồ và tính năng chỉ đường (navigation), giúp tài xế chọn lộ trình tối ưu hơn, tránh các điểm tắc nghẽn giao thông, rút ngắn quãng đường và giảm thời gian di chuyển.
Trong khi đó, quản lý một bưu cục tại TP. HCM chia sẻ, thực tế nhân sự giao hàng thiếu không quá trầm trọng. Nhiều người chuyển từ công ty vận chuyển này sang công ty khác nên chưa quen quy trình làm việc mới, dẫn đến giao hàng bị chậm. Ai đã nắm được quy trình thì thấy công việc khá đơn giản, nhưng với người chưa quen thì đúng là rất áp lực, đặc biệt vào dịp Tết khi khối lượng hàng hoá tăng lên.
Theo anh, làm cộng tác viên thì sẽ linh hoạt hơn so với nhân viên chính thức vì không bị ràng buộc quá nhiều. Mỗi đơn hàng giao thành công có thể kiếm được từ 15.000 - 20.000 đồng, tùy vào thời điểm cao điểm hoặc khu vực ít người làm. Tuy nhiên, chỉ làm cộng tác viên nên thiếu tính ổn định và họ thường không gắn bó lâu dài.
Vũ Dũng
Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nhieu-tai-xe-cong-nghe-chon-nghi-tet-som-9251.html