Người nước ngoài “ưa” mua nhà tại Việt Nam dưới góc nhìn chuyên gia

Mặc dù việc người nước ngoài mua bất động sản có thể tạo ra sự sôi động và thúc đẩy thị trường phát triển, nhưng không nên kỳ vọng vào yếu tố này như một giải pháp "giải cứu" khi thị trường gặp khó khăn.

Theo thông tin từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản dành cho người nước ngoài tại Hà Nội đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, khi hàng năm có khoảng 10.000 lao động nước ngoài, chủ yếu là lao động chất lượng cao, với nhu cầu lớn về nhà ở cao cấp.

Xu thế tất yếu

Nhu cầu này càng được thúc đẩy bởi Luật Nhà ở 2023, với những quy định thuận lợi giúp người nước ngoài dễ dàng sở hữu nhà tại Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 17, khoản 1 của Luật, tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở thông qua các hình thức như mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế, nhưng thời gian sở hữu không quá 50 năm, có thể gia hạn thêm 1 lần với thời gian tối đa là 50 năm nếu có nhu cầu.

Tuy nhiên, có một số giới hạn về số lượng, chẳng hạn, không quá 30% số căn hộ trong một tòa chung cư và không quá 250 căn nhà riêng lẻ (bao gồm biệt thự, nhà liền kề) trong một khu vực dân cư có quy mô tương đương một phường.

Trước khi có Luật Nhà ở 2023, việc sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam khá hạn chế. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2015 đến hết quý III/2023, chỉ có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, chủ yếu là các căn hộ chung cư trong các dự án nhà thương mại, tập trung tại các thành phố lớn. Hà Nội chiếm hơn nửa trong số này với 1.765 căn, tuy nhiên, vẫn chỉ chiếm khoảng 0,53% tổng số nhà ở trong cả nước giai đoạn 2018-2022.

nguoi-nuoc-ngoai-mua-nha-viet-nam-1737804916.jpg
Thị trường bất động sản dành cho người nước ngoài tại Hà Nội đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ, khi hàng năm có khoảng 10.000 lao động nước ngoài

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, thị trường đã có những thay đổi đáng kể. Trong nửa đầu năm 2024, hơn 1.000 căn hộ đã được người nước ngoài mua tại Hà Nội. Đặc biệt, vào quý cuối năm 2024, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ cho phép thêm 7 dự án chung cư với khoảng 3.000 căn hộ được bán cho người nước ngoài.

Các dự án này chủ yếu là các căn hộ cao cấp nằm trong khu đô thị, phù hợp với nhu cầu của nhóm thu nhập cao. Tính đến nay, hơn 60% số căn hộ trong các dự án này đã được bán hết, với mức giá cao hơn khoảng 10% so với người Việt Nam.

Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, việc sửa đổi Luật Nhà ở 2023 theo hướng tích cực đã giúp người nước ngoài dễ dàng tiếp cận thị trường bất động sản Việt Nam hơn. Những thay đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích, như đa dạng hóa nguồn khách hàng cho chủ đầu tư, giảm áp lực từ khách mua trong nước.

Đồng thời, kích thích thị trường bất động sản trong bối cảnh gặp khó khăn và thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế vào lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó, các dự án bất động sản sẽ được đầu tư chất lượng tốt hơn, minh bạch hơn và quản lý hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhưng chỉ nên xem là một yếu tố đa dạng khách hàng

Cũng theo ông Hoàng, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự hội nhập và phát triển kinh tế, khiến việc người nước ngoài quan tâm và có nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam, dù với mục đích sinh sống hay đầu tư, là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc đa dạng hóa nguồn khách mua sẽ là yếu tố quan trọng.

Đồng quan điểm, VARS cũng nhận định, xu hướng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, sẽ tiếp tục phát triển, mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Điều này sẽ giúp giải phóng một phần sản phẩm cao cấp còn "tồn kho" trên thị trường.

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, VARS khuyến nghị các chủ đầu tư cần nghiên cứu kỹ thị trường, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu đến từ quốc gia nào, và khả năng chi trả của họ ra sao. Dựa trên đó, các dự án cần được thiết kế và triển khai sao cho phù hợp với nhu cầu và sở thích của nhóm khách hàng này. Đặc biệt, do đây là nhóm khách hàng có yêu cầu cao, nên các chủ đầu tư cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo khả năng hấp thụ sản phẩm.

nguoi-nuoc-ngoai-mua-nha-1737804983.jpg
Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự hội nhập và phát triển kinh tế, khiến việc người nước ngoài quan tâm và có nhu cầu mua bất động sản tại Việt Nam

Ngoài ra, các chủ đầu tư nên có một bộ phận chuyên trách, không chỉ thông thạo ngoại ngữ mà còn am hiểu các quy định pháp lý để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng nước ngoài. Đồng thời, chủ đầu tư cần chủ động tìm hiểu và hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, từ đó đưa ra các phương án hợp tác hợp lý để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm bất động sản.

Đưa ra góc nhìn thận trọng, ông Nguyễn Hoàng cho rằng, dù các chính sách đã “mở cửa” và việc người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhưng vẫn cần chờ đợi các hướng dẫn chi tiết để đảm bảo các quy định pháp lý được thực thi hiệu quả, nhằm quản lý tốt hơn và giảm thiểu rủi ro.

Cụ thể, cần có các quy định rõ ràng về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu và hình thức sở hữu công trình, thời hạn sử dụng, nguồn vốn vay/tài chính của người mua, cũng như các vấn đề như phòng chống rửa tiền, việc sử dụng và quản lý bất động sản, các nghĩa vụ thuế và phí, tỷ lệ/số lượng/giá trị bất động sản được phép mua, thời hạn sở hữu, quy định về hợp đồng và chế tài xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định đặc biệt cho người nước ngoài khi mua bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù việc người nước ngoài mua bất động sản có thể tạo ra sự sôi động và thúc đẩy thị trường phát triển, nhưng không nên kỳ vọng vào yếu tố này như một giải pháp "giải cứu" khi thị trường gặp khó khăn.

Quang Đăng

Link nội dung: https://dothi.reatimes.vn/nguoi-nuoc-ngoai-ua-mua-nha-tai-viet-nam-co-hoi-moi-nhung-khong-phai-giai-phap-thao-go-kho-khan-cua-thi-truong-9344.html