Quy định cho thuê nhà phải lập doanh nghiệp còn mơ hồ gây lúng túng

Theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2024, các tổ chức, cá nhân kinh doanh, cho thuê bất động sản phải thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định còn mơ hồ, gây lo lắng cho người dân.

Cho thuê nhà là hình thức kinh doanh khá phổ biến hiện nay, nhất là những khu vực tập trung trường học, khu công nghiệp…Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp. Nếu quy mô nhỏ, không thường xuyên thì không phải lập pháp nhân nhưng phải kê khai nộp thuế theo quy định.

Quy định chưa rõ ràng

Đồng quan điểm phải đưa việc quản lý nhà vào quy củ, nhưng ông Nguyễn Duy Thành – Tổng giám đốc Công ty quản lý nhà toàn cầu Global Home đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện. Quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2024 còn rất mơ hồ, không quy định rõ trường hợp nào phải lập doanh nghiệp, trường hợp nào không.

Ông Thành đặt ra trường hợp người dân ở các tỉnh xây nhà trọ hay người về hưu tích cóp mua được vài căn nhà cho thuê cũng phải thành lập doanh nghiệp sẽ rất rắc rối. Việc thành lập doanh nghiệp dễ, nhưng để duy trì hoạt động phải có kiến thức, kinh nghiệm. Chưa kể các nghiệp vụ kê khai, quyết toán thuế, hóa đơn điện tử…phải là người có chuyên môn mới xử lý được.

nha-cho-thue-1721018740.jpg

Việc phải lập doanh nghiệp trong kinh doanh nhà cho thuê sẽ gây khó cho người dân

Thực tế, chị Thu Hà (TP Bắc Ninh) hiện đang có 20 căn phòng trọ cho thuê, mỗi tháng doanh thu khoảng 40 triệu đồng, sau khi trừ đi hết chi phí, số tiền chị thu về còn khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 vợ chồng chị đều không đi làm tại nơi nào, đây là thu nhập chính nuôi sống gia đình 4 người.

Theo đó,với quy định phải lập doanh nghiệp mới được kinh doanh dịch vụ thuê nhà, chị Hà bày tỏ sự băn khoăn bởi bình thường khách thuê tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của chị, nếu thành lập doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ các quy định như khai báo thuế, xuất hóa đơn…mà đây là những công việc phải có chuyên môn mới làm được.

Cũng chung lo lắng, chị Hồng My (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngôi nhà hiện nay gia đình chị đang ở có 5 tầng và chỉ sử dụng 1 tầng, những tầng còn lại để cho thuê, tăng thêm thu nhập. Hiện gia đình chị đang phải đóng thuế khoán khoảng 3 triệu đồng/năm, nên nếu thành lập doanh nghiệp khả năng số tiền phải đóng thuế sẽ tăng lên rất nhiều, trong khi số tiền thu được từ việc cho thuê nhà và lương đi làm mới chỉ vừa đủ chi phí gia đình.

Giá thuê nhà có thể tăng lên

Theo ông Lê Hữu Nghĩa – Giám đốc Công ty Lê Thành, nhiều người dân có đất do ông cha để lại, xây nhà trọ để cho thuê rất nhiều, có những khu hàng chục, thậm chí hàng trăm căn cho thuê theo dạng hộ gia đình, cá nhân. Những người này hầu hết đều không hiểu gì về doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp, khai báo thuế.

Còn ở khu vực thành thị, có gia đình tích cóp mua được vài căn chung cư để ở và cho thuê hay cải tạo lại ngôi nhà đang ở để cho thuê cũng phải thành lập doanh nghiệp sẽ gây khó cho người dân.

cho-thue-1721018831.jpg

Khi thành lập doanh nghiệp người dân sẽ phải tăng giá nhà cho thuê do chịu nhiều chi phí hơn

Đơn cử khu nhà trọ của Công ty Lê Thành hiện nay đang cho thuê gồm 2 tòa nhà 5 tầng khang trang với 285 phòng trọ, mỗi phòng cho thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng các khu nhà trọ nên đứng tên cá nhân ông Nghĩa.

Do đứng tên cá nhân nên ông phải nộp thuế khoán là 7%/doanh thu. Nếu theo luật mới, yêu cầu người dân kinh doanh nhà cho thuê phải lập doanh nghiệp vậy sẽ nhiều chi phí hơn, gồm 10% thuế VAT và 20% thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Những chi phí này được cộng vào giá thuê và người đi thuê trọ là công nhân, người dân nghèo đô thị, những người buôn gánh bán bưng sẽ phải gánh chịu. Vì vậy, rất có thể giá thuê nhà sẽ tăng lên”, ông Nghĩa cho biết.

Nói về vấn đề này, luật sư Hoàng Lê (đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, cần có thêm các Nghị định, Thông tư hướng dẫn hướng đến giao quyền cho địa phương quản lý bằng hình thức thuế khoán theo hộ kinh doanh gia đình, không nên bắt buộc phải thành lập doanh nghiệp. Đồng thời những quy định cần dễ dàng, dễ thực hiện, vừa không gây thất thu thuế vừa kiểm soát được đối tượng cho thuê.