Robot công chức đầu tiên “tự hủy”: Máy móc cũng bị "trầm cảm" vì công việc?

Hội đồng thành phố Gumi (Hàn Quốc) vừa chính thức xác nhận một vụ robot giám sát “tự hủy” tuần qua. Trước khi có diễn biến bất ngờ, robot này đã có những biểu hiện khá bất thường.

Thứ Năm tuần trước, một robot công chức làm việc cho hội đồng ở thành phố Gumi đã được tìm thấy trong tình trạng nằm trên cầu thang giữa tầng một và tầng hai của tòa nhà thị chính. Robot không còn phản ứng nào và mất hoàn toàn khả năng hoạt động. Trước đó, nhiều người đã chứng kiến việc robot tự ném mình xuống cầu thang. Vụ việc khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên xen lẫn tiếc nuối.

“Robot đã giúp cung cấp tài liệu hàng ngày, quảng bá về các thông tin, hình ảnh của thành phố cho người dân địa phương. Nó đã chính thức là một phần của tòa thị chính, là một “đồng nghiệp” trong số chúng tôi”, một quan chức thành phố Gumi chia sẻ và xác nhận vụ việc với truyền thông. 

robot-tu-huy-1-1719506016.jpg

Trước khi tự ném mình xuống cầu thang, robot giám sát đã xoay lòng vòng một chỗ khá lâu giống như đang gặp phải một vấn đề bí ẩn nào đó.

“Robot đã đi vòng quanh một chỗ một cách bí ẩn như có thứ gì ở đó”, các nhân chứng vụ việc cho biết về biểu hiện bất thường đã diễn ra trước pha "tự hủy".

Hiện, nguyên nhân dẫn đến vụ việc kể trên vẫn chưa được xác định. Robot sau đó đã được thu thập lại, công ty sản xuất sẽ tiến hành phân tích để tìm hiểu về những trục trặc có thể đã xảy ra trước đó.

Bởi sự bất thường của vụ tai nạn, truyền thông địa phương đã đặt ra những câu hỏi về vụ “tự hủy” đầu tiên được ghi nhận đối với robot tại thành phố này, đồng thời đặt ra câu hỏi, liệu nó có đang phải làm việc quá nhiều dẫn đến quá tải và "trầm cảm" hay không.

robot-tu-huy-1719506016.jpg

Trước khi "tự hủy", robot được đánh giá là một "nhân viên" mẫn cán, giúp cung cấp tài liệu, quảng bá về các thông tin, hình ảnh của thành phố cho người dân địa phương

Được đưa vào sử dụng từ tháng 8 năm ngoái, robot giám sát này là một trong những robot đầu tiên được đưa vào sử dụng trong các cơ sở công cộng của thành phố Gumi. Nó được sản xuất bởi Bear robotics – một công ty khởi nghiệp có trụ sở ở California (Mỹ).

Robot được giao nhiệm vụ cụ thể và làm việc từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều mỗi ngày. Điều đặc biệt, khác với những loại robot thông thường khác, nó có thể gọi thang máy và tự di chuyển giữa các tầng. Robot không được lập trình để tự đi cầu thang.

Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia mà người dân hào hứng với robot hàng đầu thế giới. Tính trung bình, cứ 10 nhân viên thì có 1 robot công nghiệp được đưa vào sử dụng. 

Trước những thắc mắc về việc có kế hoạch sử dụng robot nhân viên hành chính khác để thay thế hay không, Hội đồng thành phố Gumi chưa xác nhận điều này.

Được thành lập vào năm 2017, Bear Robotics tập trung vào sản xuất robot tự hành trong nhà để hỗ trợ các nhân viên giảm bớt khối lượng công việc hàng ngày. Các robot hàng đầu của công ty này đã được triển khai tại các khách sạn, cơ sở chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, hậu cần và bất động sản ở nhiều nơi như Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á.

Vào tháng 3 năm nay, Bear Robotics đã nhận được khoản tài trợ trị giá 60 triệu USD từ LG Electronics. Khoản tài trợ này sẽ hỗ trợ cho chiến lược quảng bá và mở rộng phạm vi hoạt động của công ty, nhắm đến các thị trường mới nổi như kho bãi thông minh, tự động hóa chuỗi cung ứng,... đặc biệt là việc chuẩn bị cho ra mắt nền tảng robot thế hệ tiếp theo, với hệ thống định vị tự động và thuật toán học tập thích ứng, được thiết kế tỉ mỉ để đáp ứng nhu cầu phức tạp của chuỗi cung ứng hiện đại và quy trình sản xuất....