Sách giáo khoa giảm 15%, giúp ổn định chỉ số giá tiêu dùng

Trong 5 tháng đầu năm, việc giảm giá sách giáo khoa trung bình 15% giúp giảm áp lực lạm phát, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống người dân.

Sáng 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng. Phiên họp đề cập tới 10 kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm. Trong đó có việc giá sách giáo khoa năm học mới giảm trung bình 15%.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo, năm học 2024 - 2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện điều chỉnh giảm giá bán sách giáo khoa (SGK) tái bản của các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Với SGK của các lớp 5, 9, 12 (xuất bản năm đầu tiên), đơn vị xây dựng theo cơ cấu giá đã giảm của SGK tái bản.

sach-giao-khoa-1717320041.jpg
Giá sách giáo khoa năm học mới giảm trung bình 15%

Để đảm bảo rõ ràng, chính xác nhằm bảo vệ quyền lợi cho học sinh và người dùng, bảng giá mới của SGK được niêm yết đầy đủ, công khai tại các điểm bán SGK trên cả nước và trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Nhằm tạo nguồn tài liệu học tập và giảng dạy cho giáo viên và học sinh sử dụng chung tại thư viện trường học, năm học 2024 - 2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến trao tặng khoảng 1.000 tủ SGK dùng chung cho các trường tiểu học, THCS vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… trên toàn quốc với tổng giá bìa khoảng 30 tỷ đồng.

Tại phần kết luận cuộc họp, nói về ý nghĩa việc giảm giá SGK trung bình 15% giúp giữ ổn định chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương những nỗ lực cùng tinh thần làm việc của Bộ trưởng và các đồng chí trong Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trước đây cứ vào năm học mới chỉ số giá lại tăng, trong đó phần của giáo dục rất lớn. Bây giờ, sau khi cấu trúc lại việc sản xuất, SGK đã giảm giá và góp phần giảm áp lực lạm phát, nhất là vào cuối quý II, quý III.

sach-giao-khoa-1-1717320040.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ tháng 5

10 kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội trong 5 tháng đầu năm:

Thứ nhất, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, tăng trưởng được thúc đẩy.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.

Thứ ba, xuất khẩu tiếp tục theo xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính - ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Thứ năm, lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, thậm chí vượt cùng kỳ trước đại dịch. Tính chung 5 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi có đại dịch Covid-19. Riêng khách quốc tế tháng 5 đạt gần 1,4 triệu lượt.

Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực. Trong 5 tháng có 98.800 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.

Trong tháng 5 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; hỗ trợ gần 18.500 tấn gạo; tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ngày Quốc tế lao động, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá sách giáo khoa giảm trung bình khoảng 15%.

Thứ chín, cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Thứ mười, chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.