Sai lầm sơ cứu bỏng khiến trẻ bị thương nghiêm trọng hơn

Dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá, bôi mỡ trăn… theo kinh nghiệm chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết bỏng, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn tự ý điều trị, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.

Vết thương nặng hơn do bôi mỡ trăn

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận 1 bệnh nhi 12 tháng tuổi (quê Bắc Ninh) bị bỏng nặng. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó khi gia đình chuẩn bị ăn tối thì bé bị ngã vào bát canh khiến trẻ bị bỏng vùng đầu, vai và cánh tay phải.

Gia đình không đưa bé đến cơ sở y tế để sơ cứu mà tự bôi mỡ trăn lên vết bỏng. Một ngày sau, tình trạng tổn thương của bé nặng nề hơn kèm sốt cao. Lúc này, gia đình mới vội đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

bong-1-1723870675.jpg
Bệnh nhi được các y bác sĩ tắm rửa và chăm sóc vết thương

Qua thăm khám, các bác sĩ Đơn vị Bỏng thuộc Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bé bị bỏng nước canh độ II, III (10%) vùng đầu, vai, cánh tay phải. Trẻ được lập kế hoạch kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày. Bác sĩ cũng tư vấn cho gia đình chế độ dinh dưỡng của trẻ để giúp nâng cao thể trạng, hồi phục nhanh. Ngày 16/8, tình trạng sức khỏe ổn định, trẻ được cho ra viện.

Đây không phải lần đầu có trẻ bị bỏng nhưng người lớn sơ cứu, tự điều trị không đúng khiến tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn. Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đơn vị từng tiếp không ít bệnh nhi vào viện trong tình trạng bỏng da, nhiễm trùng nặng do sai lầm của bố mẹ khi tự chữa bỏng cho con tại nhà.

Như trường hợp một bé gái 18 tháng tuổi vào viện vì bị bỏng nước sôi. Mẹ bệnh nhi, cho biết, khi đang pha sữa cho con thì chị có việc phải ra ngoài nên để tạm cốc nước sôi ở trên bàn. Không may, con gái chị trong lúc chơi đùa đánh đổ cốc nước sôi lên người, gây bỏng lớn ở vùng ngực.

Nhưng thay vì đưa con vào viện điều trị, chị nghe lời người quen đưa con đến nhà thầy lang để đắp thuốc Nam. Ngày thứ 4 sau khi đắp thuốc, thấy con sốt cao, chị mới đưa con đến viện tỉnh, rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán con chị bị bỏng nước sôi độ II-III nhiễm trùng.

Một trường hợp khác cũng điều trị tại Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương là bé trai Đ.M (13 tuổi, ở Phú Thọ). Bệnh nhi M. bị bỏng toàn bộ cẳng chân phải, nhiễm trùng sau khi đắp lá cây không rõ nguồn gốc để chữa bỏng.

Hướng dẫn sơ cứu đúng tại nhà

Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Công Sáng - Phụ trách Đơn vị Bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh chữa bỏng theo cách truyền miệng khiến vết bỏng của trẻ nhỏ tăng nặng hơn. Như trường hợp bệnh nhi ở Bắc Ninh bị bỏng nước canh (tương tự bỏng nước sôi) là loại bỏng nhiệt xảy ra khi tiếp xúc với canh nóng trên 50 độ C.

bong-2-1723870675.jpg
Hướng dẫn sơ cứu tại nhà (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 2)

Nguy cơ nhiễm trùng vùng bỏng nước canh thường cao hơn bỏng nước sôi. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, những vết bỏng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng nước canh phụ thuộc vào nhiệt độ, thời gian da tiếp xúc, diện tích và vị trí của vết bỏng… Nếu không được xử trí nhanh và đúng, vùng tổn thương có nguy cơ bỏng sâu thêm, gây ra nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Sáng, với bệnh nhi này, việc bôi mỡ trăn lên vết bỏng khiến trẻ có cảm giác dễ chịu hơn ở vùng bỏng nông. Còn bôi mỡ trăn lên vùng bỏng sâu thì vừa không tác dụng điều trị vừa có nguy cơ gây nhiễm trùng, tăng độ sâu của bỏng, bệnh nặng thêm.

Bác sĩ Sáng khuyên, khi trẻ bị bỏng nước canh, trước tiên cha mẹ cần cách ly con tránh xa tác nhân gây bỏng, cần ngâm bộ phận bị bỏng (tay, chân) của trẻ vào trong nước sạch, mát (khoảng 16 - 20 độ C), tốt nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng.

Trường hợp trẻ bị bỏng vùng mặt thì bố mẹ dùng khăn ướt mềm đắp lên. Nếu diện tích bỏng rộng, người lớn cần chú ý giữ ấm cho trẻ ở những phần không bị bỏng (tuyệt đối không dùng đá lạnh để tránh gây bỏng lạnh).

Không xoa dầu, bôi kem đánh răng, trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá,… lên vùng da bị bỏng vì dễ nhiễm trùng. Sau khi sơ cứu trẻ bị bỏng, cần đưa ngay trẻ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Về trường hợp điều trị bằng đắp lá, bác sĩ Sáng chia sẻ, dù đã có rất nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn tự ý điều trị, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Bác sĩ Sáng nhấn mạnh, đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không bảo đảm sạch sẽ vào vết thương, vết bỏng là rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng.

Nếu bệnh nhi không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như viêm mủ màng tim, màng não, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời cho trẻ.