Reuters đưa tin, chính quyền Mỹ có khả năng sẽ trao hơn 6 tỷ USD cho Samsung vào tuần tới để mở rộng hoạt động sản xuất chip tại nhà máy ở Taylor, bang Texas của nước này. Đây là một trong những nỗ lực để thúc đẩy ngành công nghiệp chip trên đất Mỹ thời gian qua.
Thông tin được tiết lộ bởi Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Theo đó, khoản tiền sẽ được sử dụng để xây dựng 4 cơ sở sản xuất ở Mỹ, bao gồm 1 nhà máy sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD mà Samsung đã công bố vào năm 2021, một nhà máy khác chưa được tiết lộ về địa điểm cụ thể, một cơ sở đóng gói tiên tiến và một trung tâm nghiên cứu và phát triển chip.
Để nhận được khoản hỗ trợ này, Samsung cũng cam kết tăng gấp đôi khoản đầu tư tại Mỹ lên hơn 44 tỷ USD như một phần của thỏa thuận.
Khả năng, đây sẽ là chương trình lớn thứ ba, sau khi nhà sản xuất bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) được nhận 6,6 tỷ USD chỉ một ngày trước.
TSMC cũng đã đồng ý mở rộng đầu tư theo kế hoạch của mình thêm 25 tỷ USD, nâng tổng số đầu tư lên 65 tỷ USD để bổ sung thêm một nhà máy thứ 3 ở bang Arizona, dự kiến đi vào sản xuất vào năm 2030. Công ty bán dẫn của Đài Loan sẽ sản xuất chip công nghệ 2 nanomet tiên tiến nhất thế giới ở nhà máy thứ hai đặt tại Arizona, dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2028.
Bộ trưởng Gina Raimondo cho biết: “Đây là những con chip làm nền tảng cho tất cả các hệ thống trí tuệ nhân tạo và là những con chip thành phần cần thiết cho công nghệ để chúng ta củng cố nền kinh tế của mình…”
Trước TSMC, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã công bố khoản tài trợ lên tới 8,5 tỷ USD và một khoản vay lớn lên tới 11 tỷ USD cho Intel để mở rộng hoạt động sản xuất chip tiên tiến trong thời gian tới.
Cả Samsung, TSMC, Intel đều là những “ông lớn” hàng đầu trong ngành bán dẫn toàn cầu, cung cấp phần lớn sản lượng chip, đáp ứng cho mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp mới. Việc thu hút đồng thời cả 3 công ty này được xem là bước đi táo bạo của Mỹ trong bối cảnh những căng thẳng về bán dẫn toàn cầu với Trung Quốc vẫn chưa đến hồi kết.
TSMC hiện là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho Apple, Nvidia. Với cam kết nâng tổng mức đầu tư lên 65 tỷ USD của TSMC khiến nó trở thành khoản đầu tư ngoại trực tiếp lớn nhất vào một dự án hoàn toàn mới trong lịch sử nước Mỹ.
Những nỗ lực kể trên cho thấy Chính phủ Mỹ đang hoạt động tích cực để thu hút các “ông lớn” ngành bán dẫn đầu tư nhiều hơn tại nước này, đồng thời ngăn chặn dòng đầu tư quan trọng có thể đổ vào Trung Quốc trong thời gian tới – khi mà cường quốc châu Á cũng đang không ngừng tung ra các chính sách hấp dẫn tương tự.
Năm 2022, quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật Khoa học và Chip để thúc đẩy sản lượng bán dẫn trong nước với 52,7 tỷ USD trợ cấp cho nghiên cứu và sản xuất. Các nhà lập pháp nước này cũng đã phê duyệt một khoản vay chính phủ lên tới 75 tỷ USD để phục vụ cho hoạt động này.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, mục tiêu của Đạo luật CHIPS là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như Đài Loan (Trung Quốc) khi tỷ lệ năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu ở Mỹ đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020.
Bộ Thương mại Mỹ kỳ vọng các dự án của TSMC sẽ tạo ta 6.000 việc làm trực tiếp và 20.000 việc làm hỗ trợ. Không chỉ vậy, 14 nhà cung cấp trực tiếp của TSMC cũng đang có kế hoạch xây dựng hoặc mở rộng các nhà máy ở Mỹ. 3 nhà máy của TSMC ở Arizona sẽ sản xuất hàng chục triệu chip tiên tiến cho điện thoại thông minh 5G/6G, xe tự hành và máy chủ các trung tâm dữ liệu AI.
TSMC cũng cho biết, các nhà máy ở Arizona của họ đã đặt mục tiêu đạt tỷ lệ tái chế nước tới 90%, đồng thời đã bắt đầu thiết kế một nhà máy cải tạo nước với mục tiêu đạt được “xả chất lỏng gần như bằng 0”.