Sản lượng bán dẫn của Trung Quốc tăng 40% trong quý I, đạt mức cao nhất mọi thời đại

Sản lượng chip bán dẫn của Trung Quốc đang ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử, bất chấp những hạn chế từ phía Mỹ. Sự tăng trưởng này được cho là xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ của các lĩnh vực như xe điện, điện thoại thông minh, AI…

Theo SMCP, tổng sản lượng vi mạch (IC) của Trung Quốc đã tăng 40% so với quý trước đó, lên 98,1 tỷ chiếc trong quý đầu tiên của năm nay, một dấu hiệu cho thấy nước này đang mở rộng sản xuất chip thế hệ cũ trong bối cảnh bị hạn chế tiếp cận các thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ phía Mỹ.

Dữ liệu mới nhất được công bố bởi Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc (NBS), chỉ trong tháng 3/2024, sản lượng IC của nước này đã tăng 28,4% lên 36,2 tỷ chiếc, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Cơ quan này nhấn mạnh, tốc độ phát triển nền sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc đã nhanh hơn so với trước rất nhiều.

Trong một báo cáo tuần trước, ngân hàng Haitong Securities của nước này cũng dự báo sản xuất vi mạch ở Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay do ngành công nghiệp bán dẫn đang được nội địa hóa nhanh chóng.

chip-trung-quoc-1713311657.jpg
Ngành công nghiệp chip của Trung Quốc đang ngày càng được nội địa hóa, bất chấp các lệnh hạn chế từ phía Mỹ.

Sản lượng IC của Trung Quốc tăng mạnh một phần nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ các lĩnh vực hạ nguồn, như xe điện, iPhone và các thiết bị công nghệ mới. Dữ liệu cho thấy sản lượng xe điện của nước này trong quý đầu tiên đã tăng 29,2% lên 2,08 triệu xe. Sản lượng điện thoại thông minh cũng tăng 16,7% trong cùng thời gian.

Trung Quốc đã mở rộng năng lực sản xuất vi mạch trong những năm gần đây, với sản lượng trong 3 tháng đầu năm tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, khi các cơ sở sản xuất chất bán dẫn mọc lên như nấm sau mưa.

sau khi phải đối diện với các hạn chế của Mỹ đối với việc vận chuyển công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc, hầu hết các khoản đầu tư mới của nước này đều tập trung vào chất bán dẫn truyền thống. Các nhà nghiên cứu nhận định, hậu quả không lường trước của việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến, có thể dẫn đến sự bùng nổ về làn sóng đầu tư tại chỗ, thúc đẩy sản xuất, đưa sản lượng chip lên tới mức dư thừa, đặc biệt có khả năng giúp Trung Quốc giành được vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất chip truyền thống toàn cầu.

Công ty nghiên cứu vi mạch TrendForce có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết trong một báo cáo trước đó rằng thị phần toàn cầu về công suất xử lý chip hoàn thiện của Trung Quốc đại lục dự kiến sẽ đạt 39% vào năm 2027, tăng từ mức 31% của năm ngoái.

chip-trung-quoc-1713312557.jpg
Trung Quốc kêu gọi các công ty, tổ chức trong nước chuyển sang sử dụng các giải pháp công nghệ nội địa để thay thế cho các sản phẩm của nước ngoài.

Trung Quốc đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm đạt được khả năng tự lực về các công nghệ cốt lõi. Họ cũng loại bỏ dần các hệ điều hành, phần mềm, thiết bị của nước ngoài trong một số cơ quan trọng yếu như quân đội và các tổ chức chính phủ. Hành động này đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, đặc biệt sau chiến dịch Xinchuang – hướng tới việc phát triển các giải pháp thay thế địa phương bao gồm chip, hệ thống, cơ sở dữ liệu và phần mềm nước ngoài.

Trung Quốc đặt mục tiêu đưa lĩnh vực công nghệ trong nước đạt sản lượng hàng năm tương ứng 100 tỷ nhân dân tệ (13,9 tỷ USD) vào năm tới.

Bất chấp chiến dịch tự cung tự cấp của Trung Quốc, nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip. Theo dữ liệu công bố tuần trước của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu IC tăng 12,7% lên 121,5 tỷ chiếc trong quý đầu tiên, trong khi xuất khẩu IC tăng 3% lên 62,4 tỷ chiếc.