Sắp hạn chế hình ảnh các nghệ sĩ, KOL có hành vi lệch chuẩn trên không gian mạng?

Với một bộ phận người dân, nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng (KOL), việc xử lý các vi phạm do hành vi lệch chuẩn hiện chưa đủ sức răn đe, Bộ TT&TT đang đề xuất xử lý theo hướng hạn chế sự xuất hiện hình ảnh biểu diễn của những người này.

Thông tin được ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ. 

Khi được đề cập tới tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng có phát ngôn, hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật trên không gian mạng, vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm, ông Lê Qung Tự Do cho biết, hiện nay đã có các quy định cụ thể về việc xử trí các hành vi, sai phạm kể trên. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường chủ động xử lý. Đối với các trường hợp vi phạm được dư luận, báo chí phản ánh, hiện cũng đã bị xử lý theo quy định.

le-quang-tu-do-1715677441.jpg
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, việc xử lý hành chính các nghệ sĩ, KOL có hành vi lệch chuẩn là chưa đủ sức răn đe.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng thừa nhận, với một số trường hợp, việc xử lý vi phạm hành chính hiện chưa đủ sức răn đe. Bộ TT&TT đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có những chế tài xử lý theo hướng hạn chế sự xuất hiện hình ảnh biểu diễn của những nghệ sĩ này.

Theo đó, ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính, Bộ cũng tham mưu về việc tăng mức xử phạt, có thể xử lý hình sự tuỳ từng trường hợp, tính chất nghiêm trọng của vi phạm trên không gian mạng. Từ đó, các nghệ sĩ, KOL mới cẩn thận hơn với những phát ngôn trên mạng xã hội sẽ tác động đến nhiều người.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT vẫn đang phối hợp Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để triển khai thêm giải pháp hạn chế hình ảnh của nghệ sĩ vi phạm trên sóng, mạng hay các sân khấu biểu diễn. Điều này sẽ gia tăng tính răng đe khi những người này cần lan toả hình ảnh, thương hiệu cá nhân.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ tháng trước, Bộ TT&TT cũng đã đề cập đến một số trường hợp diễn viên, ca sĩ, KOL và influencer có lượng theo dõi cao quảng bá cho các website cờ bạc đổi thưởng tiếp tục tái diễn. Đáng e ngại là đa số người hâm mộ theo dõi những người nổi tiếng này còn ở độ tuổi trẻ, dễ bị tác động về tâm lý và hành vi. Bộ TT&TT đang thực hiện rất mạnh Chỉ thị 16 của Thủ tướng về việc tăng cường xử lý hành vi quảng cáo cá độ, cờ bạc. Từ năm 2023 đến nay, Bộ đã chặn, gỡ 1.574 webiste có quảng cáo cờ bạc, rất nhiều links cờ bạc trên Facebook, các trang mạng xã hội đã được chặn, gỡ.

Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phát hiện và cảnh báo. Đồng thời đề nghị các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng phối hợp với Bộ TT&TT để xử lý mạnh tay đối với hiện tượng này trong thời gian tới.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Bộ TT&TT cũng vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế nghị định 72/2013 về quản lý Internet và thông tin trên mạng. Dự thảo đã cập nhật, bổ sung nhiều quy đinh liên quan xử lý người dân, tổ chức và doanh nghiệp đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

thong-tin-lech-chuan-1715677550.png
Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục giám sát, xử lý các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Liên quan tới "trend đi tìm kho báu", liên quan tới vụ án bà Trương Mỹ Lan, Bộ TT&TT cho biết, đây là một cắt ghép các phát ngôn của bà Trương Mỹ Lan tại các phiên xử đã diễn ra. "Hiện tượng này chưa phải là nội dung lừa đảo hay có những ý đồ xấu, tuy nhiên đây là hành vi đăng tải thông tin sai sự thật".

Đối với việc xử lý "đu trend tìm kho báu" có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan, Bộ TT&TT cho biết, Bộ đã nắm được thông tin này và đã kiểm tra. Theo ghi nhận của Bộ, hiện tượng này là một cắt ghép các phát ngôn của bà Trương Mỹ Lan tại phiên toà xét xử. Thực tế, bà Lan không có các câu nói như vậy.