Gia hạn tiến độ lần thứ 3
Tại kỳ họp thứ 24 diễn ra chiều 18/7 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI đã thông qua nghị quyết phê duyệt về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh. Theo đó, thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh đến hết năm 2025, các nội dung khác vẫn giữ nguyên.
Được biết dự án này được Bình Thuận coi là một trong những công trình tiêu biểu là lựa chọn để chào mừng Năm Du lịch Quốc gia 2023. Mặc dù Năm Du lịch Quốc gia đã kết thúc nhưng dự án này vẫn chưa thể về đích.
Dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh đồng ý chủ trương vào năm 2015. Tới tháng 3/2016 dự án được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung Ương hỗ trợ 150 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Sở VH–TT&DL tỉnh Bình Thuận. Thời gian thực hiện dự án trong vòng 4 năm từ 2016 – 2020.
Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận được chính thức khởi công ngày 15/11/2019 trên nền của nhà hát ngoài trời cũ đã đập bỏ hơn chục năm do xuống cấp. Lúc bấy giờ dự án gồm 8 gói thầu thi công và kèm theo đó là các gói thầu tư vấn.
Công trình có không gian triển lãm trong nhà rộng 3.500m2, không gian bên ngoài diện tích 6.000m2 đảm bảo tổ chức các sự kiện trưng bày triển lãm quy mô lớn. Dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3/2021 (sau 480 ngày thi công). Thông tin xung quanh về việc đầu tư xây dựng nhà hát (địa điểm xây dựng, bản vẽ thiết kế) được thông tin rộng rãi nhằm lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, nhân dân.
Tuy nhiên tới thời điểm cuối tháng 12/2023 công trình này thi công rất chậm chạp, UBND tỉnh đã phải nhiều lần gia hạn tiến độ hoàn thiện. Trong đó lần 1 gia hạn tới ngày 30/4/2022, lần 2 gia hạn tới cuối tháng 12/2022 để đưa vào sử dụng phục vụ Năm Du lịch Quốc gia 2023 do tỉnh Bình Thuận đăng cai tổ chức.
Báo cáo của Sở VH–TT&DL tỉnh Bình Thuận cho hay, tới hết năm 2023, 8 gói thầu dự án đã hoàn thành toàn bộ khối lượng theo hợp đồng. Trong đó, gói thầu số 1 xây lắp công trình chậm tiến độ và đã được tỉnh cho phép gia hạn.
Hiện nay, công tác nghiệm thu công trình đang được chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tập hợp hồ sơ để gửi Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bình Thuận, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để kiểm tra.
Cũng theo thông tin từ phía chủ đầu tư, hạng mục trang trí nội thất dự án chưa được triển khai. Nguyên nhân là do 8 gói thầu kể trên chưa hoàn thành. Do đó sau khi hoàn thành hạng mục trang trí nội thất, công tác quyết toán dự án mới được thực hiện.
Ông Lê Ngọc Tiến - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, dự án vẫn không thể kết thúc cuối năm nay mà phải chuyển qua năm 2025.
Việc dự án này chậm trễ kéo dài đã khiến cử tri tỉnh Bình Thuận lên tiếng phản ánh nhiều lần. Ông Tiến khẳng định, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm.
Ông Tiến giải thích, lý do dự án kéo dài là vì gói thầu số 1 xây lắp công trình phát sinh điều chỉnh thiết kế, thay đổi biện pháp thi công. Các gói thầu khác đều phụ thuộc vào gói thầu số 1 bởi xây dựng xong mới tiến hành lắp đặt được.
Nhiều tranh cãi về thiết kế của dự án
Trước đó tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Bình thuận khóa XI diễn ra ngày 11/7/2023, dự án Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh đã từng làm “nóng” cả nghị trường do chậm tiến độ. Thời điểm đó, Giám đốc Sở VH–TT&DL tỉnh Bình Thuận – ông Bùi Thế Nhân đã giải trình lý do chậm trễ. Ông Nhân cho biết, công trình phải dừng 3 lần để xử lý kỹ thuật và 1 lần do dịch Covid-19 với tổng thời gian tạm dừng 29 tháng. Bên cạnh đó do không đảm bảo với thời tiết, khí hậu tại Bình Thuận, dự án còn phải thay đổi mái tôn.
Tại đây ông Nhân cho rằng việc, sử dụng thiết kế cũ rất ảnh hưởng đến tiến độ do mất thời gian xử lý. Trong khi đó Sở VH–TT&DL không có kiến thức về vấn đề này còn đơn vị tư vấn thi công thì yếu kém. Ông Nhân mong muốn các đại biểu thông cảm và cam kết sẽ xây dựng đúng tiến độ, cố gắng điều chỉnh nhưng không làm phát sinh kinh phí.
Theo tìm hiểu, ngay từ khi chuẩn bị khởi công công trình Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.
Theo ý kiến của người dân đây là công trình vĩnh cửu nhưng sử dụng thiết kế từ năm 2007 tức 12 năm trước và lợp tôn, bắn vít là không hợp lý. Theo đánh giá, thiết kế này vừa thiếu thẩm mỹ vừa dễ hư hỏng do đặc thù khí hậu địa phương là miền biển. Chưa kể mái tôn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh của nhà hát.
Thời điểm đó, các kiến trúc sư ở Phan Thiết cho rằng, ngoài thiết kế, vị trí, công năng thì công trình nhà hát còn phải có ý nghĩa truyền tải về kiến trúc đối với người dân địa phương và du khách. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Trước những phản ứng của dư luận, phần mái lợp tôn bắn đinh vít của nhà hát đã được điều chỉnh thiết kế lợp mái. Trong đó, bổ sung vật liệu nhằm che các khoảng hở giữa các lớp mái với tường để tránh mưa tạt vào và bổ sung xà gồ thay đổi từ bắn vít sang bắt ngàm của mái tôn.