Sau nhiền lần lỡ hẹn, TP. HCM tái khởi động lại dự án nhà hát gần 2.000 tỷ đồng

UBND TP. HCM đang có những bước chuẩn bị khởi động dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch (tên gọi mới là City Star Theatre) gần 2.000 tỷ đồng sau nhiều năm lỡ hẹn.

Liên quan đến Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch hay còn gọi là nhà hát Thủ Thiêm, Sở VHTT thành phố cho biết, đã thống nhất chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình để triển khai các bước tiếp theo của dự án. Chấp thuận chủ trương điều chỉnh diện tích đất xây dựng cho dự án là 15.000m2 đối với quy mô 1.700 chỗ, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch 1/2000 được duyệt. Thống nhất điều chỉnh tên gọi công trình từ Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch thành Nhà hát Ngôi sao thành phố (tên gọi quốc tế là City Star Theatre).

Đầu tháng 4/2024, Sở VHTT đã được UBND TP. HCM giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh đối với dự án này.

nha-hat-thu-thiem-3-1715414363.jpg
Vị trí lô đất dự kiến xây dựng Nhà hát City Star Theatre. (Ảnh: Phạm Nguyễn - Tiền phong)

Dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch hay còn gọi là nhà hát Thủ Thiêm có kế hoạch đầu tư từ 1993. Tuy nhiên tới năm 1999, TP. HCM mới có ý định xây dựng tại khu đất 23 Lê Duẩn (Q. 1). Nhưng sau đó, địa điểm này được cho là không phù hợp để xây dựng công trình nghệ thuật.

Với quyết tâm khởi động lại việc xây nhà hát, năm 2012, TP. HCM đã chọn vị trí xây dựng tại Công viên 23 Tháng 9. Theo đó nhà hát quy mô rộng 1,2ha với 2 khán phòng chính có sức chứa 1.700 chỗ ngồi. Dự án có hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Thế nhưng, chủ trương này của UBND TP. HCM tiếp tục vấp phải những ý kiến trái chiều khiến cho việc xây dựng nhà hát bị ảnh hưởng.

Tới tháng 8/2017, UBND TP. HCM quyết định địa điểm xây nhà hát là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Tại phiên họp bất thường ngày 8/10/2017, HĐND TP. HCM đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch.

nha-hat-thu-thiem-1-1715414429.jpg
Phương án thiết kế kiến trúc nhà hát đồng giải nhì do Công ty tư vấn thiết kế Studio Milou thiết kế. (Ảnh: Thanh niên)

Lúc bấy giờ, dự án dự kiến sẽ khởi công vào năm 2018, hoàn thành năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố (chính là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, Q. 1). Tuy nhiên trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 còn nhiều tác động, TP. HCM cần ưu tiên lĩnh vực an sinh, kích thích các ngành nghề phát triển nên tạm dừng đầu tư dự án này.

Sau đó, chủ đầu tư dự án là BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. HCM đã đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện sang năm 2024 và nguồn vốn cũng thay đổi từ 1.508 tỷ đồng thành 1.988 tỷ đồng.

Theo quy hoạch trước đó, dự án vẫn giữ nguyên quy mô với 1.700 chỗ ngồi, với 2 khán phòng chính (khán phòng lớn 1.200 chỗ, khán phòng nhỏ 500 chỗ). Nhà hát dự kiến cao 10 tầng (chiều cao tối đa 48m), xây dựng trên lô đất có ký hiệu 1-21 (bên hông cầu Ba Son) rộng 10.030m2 và công viên cây xanh xung quanh rộng hơn 10.000m2.

nha-hat-thu-thiem-2-1715415128.jpeg
Thiết kế khác của nhà hát lấy cảm hứng từ bông sen nở rộ. (Ảnh: smartland.vn)

TP. HCM đã tổ chức Cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch. Cuộc thi không có giải nhất và giải ba, ban tổ chức đã trao 2 giải nhì và 2 giải khuyến khích cho các đơn vị tham gia. Trong đó giải nhì là 700 triệu đồng/ giải, giải khuyến khích là 100 triệu đồng/giải.

Năm 2023, dự án Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch được bố trí vốn đầu tư công 1,6 tỷ đồng để trao thưởng cho các đơn vị đạt giải thiết kế. Cũng trong năm 2023, UBND TP. HCM đã xác định danh mục các dự án cấp bách cần sớm triển khai, trong đó có dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch – công trình dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2025.

Như vậy sau nhiều năm lỡ hẹn, tới đây TP. HCM sẽ có thêm 1 công trình trọng điểm góp phần quan trọng trong việc phát triển văn hóa xã hội cũng như nâng cao đời sống tinh thần của người dân.