Sau nhiều vụ tiền giả bị phát hiện: Người dân cần cẩn trọng trong giao dịch tiền mặt

Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân cần cẩn trọng hơn trong giao dịch tiền mặt, nếu nghi ngờ tiền giả cần báo ngay với công an.

Chiều 7/5, TAND TP. Đà Nẵng đã kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử nhóm sản xuất, tiêu thụ tiền giả với số tiền gần 2 tỷ đồng. Kẻ cầm đầu đường dây là Trần Văn Miên (36 tuổi, ngụ thị trấn Năm Căn, Cà Mau) đã bị tuyên án tù chung thân. Các đồng phạm trong vụ án bị tuyên từ 7 năm đến 20 năm tù.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, Miên có 2 tiền án (năm 2011, năm 2014) với 3 năm 8 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 lần bị đưa đi cai nghiện (năm 2016, năm 2023). Năm 2020, Miên nảy sinh ý định làm tiền giả. Miên đã tự nghiên cứu cách làm, rồi tự mua và lắp ráp khoảng 20 máy in, máy tính, máy dập, máy chiếu… và đào tạo các đồng phạm để làm tiền giả.

tien-gia-2-1715127910.jpg
Bị cáo Trần Văn Miên tại phiên xét xử

Tuy nhiên trong 18 tháng "nghiên cứu, thử nghiệm", Miên liên tiếp thất bại vì tiền giả bị lỗi, chất lượng không đạt nên đốt toàn bộ. Đến tháng 6/2021, Miên đã tìm được loại giấy làm tiền giả. Miên làm ra khoảng 200 triệu đồng tiền giả, tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành miền Nam mà không bị phát hiện.

Tháng 9/2022, cả nhóm chuyển đến thuê nhà khu dân cư Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP. HCM) để mở sào huyệt quy mô lớn. Mỗi tuần, nhóm bị cáo làm tiền giả 1 - 2 lần với khoảng 200 - 300 tờ/lần (mệnh giá 500.000 đồng).

Tại thời điểm bị bắt, các bị cáo đã hoàn thiện 1.300 tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng (900 triệu đồng), 388 tờ A4 in hình tiền mệnh giá 500.000 đồng (777,5 triệu đồng chưa thành phẩm). Tổng cộng tiền giả nhóm bị cáo làm, tàng trữ, lưu hành là gần 2 tỷ đồng.

tien-gia-1-1715127880.jpg
Công an tỉnh Hậu Giang triệt phá đường dây làm tiền giả (Ảnh: VTV)

Hay gần nhất, vào cuối tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, đơn vị đã triệt phá một đường dây "Làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả" liên tỉnh. Cầm đầu đường dây là Trần Thẩm Lin (24 tuổi).

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Lin, công an thu giữ được 600 triệu đồng tiền giả cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan. Lin khai, đối tượng đăng bán tiền giả trên mạng xã hội với giá 1 triệu đồng tiền thật lấy 4 triệu đồng tiền giả và đã bán được 160 tờ tiền giả cho một số người.

Hiện nay, các đối tượng làm tiền giả ngày càng tinh vi. Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân cần cẩn trọng trong giao dịch tiền mặt, nếu nghi ngờ tiền giả cần báo ngay với công an.

Ngoài ra, người dân có thể lưu ý một số dấu hiệu để phân biệt tiền thật - tiền giả như: Tiền giả không được sắc nét, bị nhòe mực. Tiền giả thường có số seri giống nhau. Khi vò lại, tiền thật co giãn về trạng thái ban đầu, trong khi tiền giả sẽ bị nhăn nhúm. Soi hình bóng chìm in trên tờ tiền trước nguồn sáng, tiền giả không nhìn rõ từ hai mặt, đường nét không tinh xảo, không sắc nét.

Kiểm tra cửa sổ trong suốt của tờ tiền, tiền giả không có số mệnh giá dập nổi, chi tiết in không rõ nét, tinh xảo. Tại các vị trí có yếu tố in nổi như chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi vuốt nhẹ thì tiền thật sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in. Còn tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy mà không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

tien-gia-1715127880.png
Phân biệt tiền thật - tiền giả

Liên quan đến tiền giả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Dự thảo Thông tư này hướng dẫn việc tạm thu giữ tiền nghi giả; thu giữ tiền giả; giám định tiền giả, tiền nghi giả; đóng dấu, bấm lỗ tiền giả; đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển và tiêu hủy tiền giả trong ngành ngân hàng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh), Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu phát hiện loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, phải thực hiện thu giữ, lập biên bản, đóng dấu và bấm lỗ tiền giả.

Trường hợp tiền giả là loại mới, phải thực hiện thu giữ và lập biên bản nhưng không đóng dấu, không bấm lỗ tiền giả. Tiền giả loại mới là loại tiền giả chưa được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản.

Tháng 12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó quy định điều kiện, tiêu chuẩn sao, chụp tiền Việt Nam có hiệu lực từ ngày 02/02/2024. Theo quy định này, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam phải đáp ứng một trong 4 điều kiện, tiêu chuẩn sau:

Thứ nhất, sao, chụp một phần hình ảnh, hoa văn của tiền Việt Nam không vượt quá 1/3 diện tích mặt trước hoặc mặt sau tờ tiền;

Thứ hai, sao, chụp hình ảnh một mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 75% hoặc lớn hơn 150% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

Thứ ba, sao, chụp hình ảnh hai mặt đồng tiền Việt Nam với kích thước chiều dài và chiều rộng đối với tiền giấy, đường kính đối với tiền kim loại nhỏ hơn 50% hoặc lớn hơn 200% kích thước của tiền thật cùng mệnh giá;

Thứ tư, sao, chụp hình ảnh thành bản điện tử để đưa lên không gian mạng có độ phân giải tối đa không vượt quá 72dpi với kích thước tương đương tiền thật cùng mệnh giá.