Mới đây, Hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư vùng Đông Nam Bộ đã được tổ chức với sự tham dự của các Sở Y tế cùng giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về ung thư.
Tại hội nghị, Sở Y tế các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đồng thuận sẽ phát triển "mạng lưới phòng, chống ung thư vùng" với 3 cấp độ gồm: Chăm sóc ban đầu, cơ bản và chuyên sâu. Hoạt động này giúp người dân được tầm soát, điều trị bệnh tốt hơn.
Cụ thể, cấp chăm sóc ban đầu tập trung đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa ung thư trong cộng đồng, giúp người dân từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe và nhận biết các dấu hiệu "báo động" của ung thư.
Cấp chăm sóc cơ bản hướng đến hình thành những cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực khám, chẩn đoán và điều trị đa mô thức các bệnh lý ung thư cơ bản cho người dân tại địa phương.
Cấp chăm sóc chuyên sâu tập trung đầu tư phát triển trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa ung thư. Cấp này còn đẩy mạnh phát triển những kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu giúp nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị cho người bệnh. Đồng thời, rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật chuyên sâu điều trị ung thư với các nước trong khu vực.
Ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết, việc hình thành mạng lưới phòng chống ung thư vùng nhằm tăng cường phối hợp giữa TP. HCM cùng các tỉnh, thành trong bối cảnh số bệnh nhân ung thư trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có xu hướng ngày càng tăng. Điều này nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM chia sẻ, mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc người bệnh từ tầm soát giai đoạn chưa có triệu chứng, phát hiện sớm các dấu hiệu nghi ung thư, chẩn đoán chính xác, kịp thời, điều trị đa mô thức hiệu quả... đến chăm sóc giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ tại cộng đồng.
Tại hội nghị, các địa phương cũng đồng thuận với dự thảo hợp tác theo 2 cấp độ. Hợp tác cấp độ 1 là tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối tại TP. HCM nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của từng bệnh viện theo nhu cầu của mỗi địa phương.
Còn ở cấp độ 2, các địa phương cùng xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người dân theo chuyên khoa ung thư, từ bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, cải thiện tỉ lệ tử vong và nâng cao chất lượng sống người bệnh.
Từ góp ý của chuyên gia và sự đồng thuận của các địa phương, Sở Y tế TP. HCM sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư quy mô vùng. Tùy nguồn lực sẵn có và định hướng phát triển kinh tế xã hội, y tế của mỗi địa phương thì sẽ có kế hoạch hợp tác phù hợp.
Những tháng gần đây, 84% bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu TP. HCM đến từ các tỉnh, thành trên cả nước. Trước đây, tỷ lệ này rơi vào khoảng 75%. Hiện bệnh nhân khám ngoại trú của cơ sở chuyên khoa tuyến cuối về điều trị ung thư tại TP. HCM khoảng 4.700 - 4.800 lượt/ngày, tăng khoảng 8 - 10%.