Dự án Seven Star “đứng hình” suốt 13 năm, vì đâu?

Từng là một trong các danh mục công trình trọng điểm của TP. Hà Nội nhằm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tuy nhiên sau 13 năm, tổ hợp Seven Star vẫn là bãi đất trống, gây lãng phí tài nguyên và mất mỹ quan đô thị.

Năm 2011, dự án Tổ hợp Seven Star được UBND TP. Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đây là dự án tổ hợp TTTM, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp, được xây dựng trên lô “đất vàng” D27 rộng 2,2ha trong Khu đô thị mới Cầu Giấy, thuộc địa phận 2 phường Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu (Q. Cầu Giấy, Hà Nội).

seven-star-2-1721288572.jpg
Phôi cảnh dự án Tổ hợp Seven Star

Được biết, lô đất thực hiện dự án được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà Văn phòng các Hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c, D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

Dự án nằm ở vị trí đắc địa, phía Bắc là ngã ba đường Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Phong Sắc kéo dài (Cung Trí Thức); phía Nam và phía Tây giáp đường quy hoạch công viên xanh; phía Đông là trục đường chính Trần Thái Tông có lộ giới 40m.

Xung quanh dự án, hệ thống giao thông và hạ tầng được đầu tư hiện đại. Từ đây có thể kết nối tới nhiều khu vực khác qua các tuyến đường lớn như Trần Thái Tông, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến… Gần dự án còn có những công trình quan trọng như: Viện Huyết học, Thanh tra Chính phủ, Hội Nhà báo, tòa nhà Keangnam…

seven-star-1-1721288619.jpg
Dự án ôm "đất vàng" Cầu Giấy suốt 13 năm nhưng không được triển khai (Ảnh: Tạp chí Xây dựng)

Tổ hợp Seven Star là một trong các danh mục công trình trọng điểm của Hà Nội nhằm chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và được triển khai thực hiện theo hình thức BT. Chủ đầu tư dự án được UBND TP. Hà Nội chỉ định là liên danh Công ty CP đầu tư Bảo Việt, Công ty CP Sông Đà – Thăng Long và Công ty CP đầu tư C.E.O (CEO Group).

Dự án có tổng mức đầu tư gần 4.437 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT hơn 1.090 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng hơn 3.346 tỷ đồng.

Theo dự kiến, tổ hợp Seven Star sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2015. Tuy nhiên tới nay đã 13 năm, dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng. Theo phản ánh của báo chí, tại khu đất này bất ngờ xuất hiện hàng loạt công trình sai mục đích như: gara ô tô, sân bóng đá, bãi rửa xe, hàng quán, tập kết phế liệu.

seven-star-3-1721287719.jpg
Dự án vị trí đắc địa tại “trung tâm hành chính - văn phòng mới của Hà Nội" (Ảnh: Tuấn Anh - Lao động)

Vào cuối năm 2023, hạng mục trường tiểu học và trung học cơ sở đã được triển khai xây dựng trên khu đất này. Theo dự kiến đầu năm 2025 sẽ hoàn thành. Trong khi đó các hạng mục như TTTM, văn phòng cho thuê, khu căn hộ cao cấp vẫn còn bỏ ngỏ.

Thời điểm năm 2021, báo chí đưa tin, truyền thông của Công ty CP Đầu tư Bảo Việt cho hay doanh nghiệp này đã chuyển nhượng cho CEO Group toàn bộ cổ phần tại dự án. Tuy nhiên phía CEO Group khẳng định chưa nắm quyền chi phối dự án.

Theo truyền thông CEO Group, dự án Seven Star do liên minh nhà đầu tư thực hiện nên CEO Group không nắm quyền quyết định. CEO Group chỉ nắm tỷ lệ phần trăm nhất định. Dù vậy, phía CEO đã có nhiều buổi làm việc với Công ty Bảo Việt để đi đến thông nhất. Trong trường hợp Bảo Việt không thực hiện thì nhượng lại cổ phần để CEO triển khai.

seven-star-5-1721288759.jpg
Trích cáo bạch của CEO Group năm 2023

Được biết, tại bản cáo bạch chào bán thêm hơn 257 triệu cổ phiếu ra công chúng năm 2023, CEO Group vẫn giới thiệu Seven Star là dự án tiêu biểu của công ty. Tỷ lệ tham gia của CEO Group trong liên danh dự án này vẫn là 25%. CEO Group thông báo thêm trong bản báo cáo là dự án Seven Star đang được đơn vị tư vấn Planadd (Hàn Quốc) tư vấn thiết kế, lập dự án đầu tư.

Về Công ty CP đầu tư Bảo Việt, ngoài Seven Star, doanh nghiệp này còn có dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT trên “đất vàng” số 220 Trần Duy Hưng (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) quy mô vốn 3.800 tỷ đồng cũng “bất động” nhiều năm nay.