"Shark" Thủy và bài học cay đắng từ nguồn vốn trái phiếu

Trái phiếu có thời hạn trả 3 tháng/lần, nhưng ông Nguyễn Ngọc Thủy ("Shark" Thủy) không trả bất kỳ khoản tiền lãi nào cho các trái chủ theo hợp đồng đã ký kết.

Vì sao Egroup rơi vào khủng hoảng?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup, vừa bị bắt với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, nhiều nhà đầu tư tố giác ông Thủy lừa đảo thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup.

Egroup được "Shark" Thủy thành lập năm 2008. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng nhiều lĩnh vực từ giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm. Trong đó, nổi bật nhất là Apax Holdings (IBC) - đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, công ty duy nhất được niêm yết và thiết kế nhiều thương vụ đầu tư lớn. Còn lại, Công ty Egame và Công ty Ecapital là đơn vị mà thông qua nó, Egroup gọi vốn.

shark-1711558944.jpeg

"Shark" Thuỷ 

Từ năm 2017, Egroup và công ty con Egame, Ecapital kêu gọi nhà đầu tư cá nhân rót vốn thông qua các "thỏa thuận hợp tác chiến lược" để đổi lấy cổ phần. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, Egroup chậm trả lãi cho nhà đầu tư tham gia thỏa thuận trên và cả nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu.

Song song đó, hệ sinh thái của ông Thủy liên tục nợ lương và bảo hiểm nhân viên.

Hiện, chuỗi trung tâm Anh ngữ nổi tiếng Apax Leaders cũng bị nhiều phụ huynh tại TP. HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền" nhưng bỏ rơi khách hàng và yêu cầu hoàn trả học phí.

Thực tế, hệ sinh thái Egroup bất ổn bởi mô hình hoạt động của các công ty phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính. Với xương sống là Apax Leaders, Egroup dựa vào nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư để mở thêm nhiều chuỗi giáo dục và trường học, rồi lấn sân sang các mảng chăm sóc sức khỏe, ẩm thực và đầu tư tài chính.

Trước năm 2019, chuỗi Apax Leaders liên tục mở mới mạng lưới hoạt động từ Bắc đến Nam, với 130 điểm dạy vào thời "hoàng kim". Đến cuối năm 2019, Apax Holdings có tổng dư nợ phải trả vào khoảng 1.974 tỷ đồng, gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu.

Trong cuộc họp nhà đầu tư đầu tháng 8/2023, Chủ tịch Egroup lại cho rằng, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến khủng hoảng do mô hình kinh doanh "tăng trưởng nhanh bằng vay nợ".

Nhưng nhiều nhà đầu tư lại có ý kiến khác. Họ nghi vấn Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy dùng vốn kêu gọi để rót vào các hoạt động đầu tư chứng khoán, tiền số, bất động sản... thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Nhận nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu

Thống kê từ HNX cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Shark Thủy đã nhận về nguồn vốn lớn từ kênh trái phiếu, với sự tham gia của cả nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Đầu tiên phải kể đến 2 lô trái phiếu với tổng trị giá 500 tỷ đồng của Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax English).

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 23/2/2021, Apax English phát hành 2 triệu trái phiếu mã AECCH2123001 mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 200 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi và không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo.

Mục đích phát hành là để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh. Tài sản đảm bảo gồm: quyền sử dụng sàn thương mại tầng 1,2,3 và tầng KT1 tòa A của dự án Việt Đức Complex tại 164 Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân với tổng diện tích 3.405m2, có giá 150 tỷ đồng, theo định giá của Công ty TNHH Thẩm định giá Sài Gòn. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có 15 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Apax Holdings niêm yết tại HoSE, mã chứng khoán IBC, trị giá 320 tỷ đồng theo giá đóng cửa bình quân 30 phiên trước ngày 19/2/2021.

Đơn vị đứng sau thu xếp cho lô trái phiếu này là Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).

Đến ngày 24/8/2021, Apax English tiếp tục phát hành 30.000 trái phiếu mã AECCH2124001 mệnh giá 10 triệu đồng, tương ứng huy động được 300 tỷ đồng. Lãi suất trái phiếu 12,5%/năm.

Mục đích phát hành là để tăng quy mô vốn hoạt động và cơ cấu lại các khoản nợ của tổ chức phát hành.

Tài sản đảm bảo gồm có: 13 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten (Igarten) và các quyền lợi phát sinh từ số cổ phiếu này từ ngày thế chấp, được Công ty cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen định giá 456 tỷ đồng.

Igarten cũng là doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Apax Holdings và tham gia phát hành trái phiếu.

Cụ thể, theo thông tin trên HNX, từ tháng 6/2021-8/2021, doanh nghiệp này phát hành thành công 20.000 trái phiếu mã IGECH2124001 với mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu; tương ứng giá trị phát hành là 200 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu là 4,8 triệu cổ phần Apax English thuộc sở hữu của Shark Thủy và các quyền, lợi ích phát sinh đến số cổ phiếu kể từ ngày thế chấp. Công ty cổ phần Thẩm định và Đầu tư tài chính Hoa Sen định giá số cổ phần này trị giá 250 tỷ đồng.

Trái chủ là 54 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thương vụ được thu xếp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Stanley Brothers và ABS.

Trái phiếu có thời hạn trả 3 tháng/lần, nhưng ông Thủy không trả bất kỳ khoản tiền lãi nào cho các trái chủ theo hợp đồng đã ký kết. Có nhiều người dù chưa lấy được một đồng nào nhưng công ty đã làm hợp đồng chuyển nhượng và thanh lý luôn hợp đồng đó.

IBC chỉ còn 1.700 đồng/cổ phiếu và không có giao dịch

Cổ phiếu IBC của Công ty đầu tư Apax Holdings (IBC) do ông Nguyễn Ngọc Thủy là chủ tịch, có giá 1.700 đồng và không có giao dịch suốt từ phiên 18/9/2023 đến nay. Việc IBC không có giao dịch liên quan đến việc trong thời gian dài, "Shark" Thuỷ đã vướng vào việc nợ tiền trái phiếu và học phí.

IBC đã từng có giá 20.000 đồng/cổ phiếu khi lên sàn chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vào năm 2017.

Đến tháng 12/2023, IBC bị huỷ niêm yết trên HOSE và phải chuyển xuống giao dịch trên sàn UpCOM.