"Siêu" dự án gần 60.000 tỷ của "đại bàng" Malaysia được Chính phủ tháo gỡ khó khăn

Sau gần 15 năm cấp phép đầu tư, dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (huyện Hóc Môn, TP. HCM) đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây được xem là tín hiệu khả quan, mở ra cơ hội mới cho dự án quy mô 880ha, vốn đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ban Chỉ đạo về rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP. HCM.

Tại buổi làm việc, UBND TP. HCM cho biết thời gian qua đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến các dự án trên địa bàn.

khu-do-thi-dai-hoc-quoc-te-1736221636.webp
Khu đô thị Đại học Quốc tế có quy mô 880ha thuộc huyện Hóc Môn, TP. HCM (Ảnh: Quỳnh Hương - An ninh tiền tệ)

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP. HCM báo cáo, tính tới ngày 25/12/2024, trên địa bàn thành phố có 12 công trình, dự án tồn đọng cần kiến trị Phó Thủ tướng chính phủ chỉ đạo, giải quyết. Với 9 dự án đầu tư thì có 6 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bao gồm: Dự án Saigon Sport City; Khu đô thị Đại học Quốc tế; Dự án Saigon Centre-IV; Dự án Saigon Centre-V; Dự án Giải quyết ngập khu vực TP. HCM (giai đoạn 1) có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu; Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 (TP. Thủ Đức).

Với 6 dự án lớn kể trên, có 5 dự án đang được các Bộ, ngành, TP. HCM và các địa phương đề xuất điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, Chính phủ sẽ ban hành 1 nghị quyết để tháo gỡ. Bộ KH&ĐT cần trình ban hành nghị quyết này trước ngày 15/1/2025,

Riêng dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế thuộc địa phận xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo hướng giải quyết.

toan-canh-khu-do-thi-dai-hoc-quoc-te-1736221314.jpg
Dự án có tổng mức đầu tư 59.000 tỷ đồng (Ảnh: Hữu Chánh - Lao Động)

Như Đô Thị Mới đã thông tin trước đó vào hồi tháng 8/2024, dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế có tổng diện tích 880ha, nằm gần Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á) và đường Đặng Công Bỉnh (đường Thanh Niên). Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 1/7/2008 với tổng mức đầu tư là 59.000 tỷ đồng.

Thời điểm đó, dự án đặt mục tiêu là dành một phần đất xây đô thị đại học gồm các trường học từ tiểu học đến đại học; khu dân cư; khu thương mại dịch vụ; khu công viên; khu thể thao, giải trí, y tế… Phần diện tích còn lại được quy hoạch thành khu phức hợp bao gồm: khu dân cư, khu thương mại, trung tâm hành chính văn hóa, trung tâm y tế 15ha phục vụ nhu cầu chữa bệnh và hoạt động chuyên khoa của các trường đại học.

Trong quá trình triển khai, Công ty Berjaya Việt Nam – chủ đầu tư dự án đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, khiến cho dự án bị chậm tiến độ.

Mặc dù dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giải phóng mặt bằng nhưng những khó khăn về tài chính đã khiến dự án nằm “bất động”.

khu-do-thi-dh-quoc-te-1736221749.jpg
Gần 15 năm qua, dự án vẫn là cánh đồng hoang với một vài ngôi nhà lụp xụp (Ảnh: Hữu Chánh - Lao Động)

Được biết từ năm 2022 cho tới nay, UBND TP. HCM đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn nhưng dự án vẫn không thể triển khai.

Tới nay, sau gần 15 năm cấp phép đầu tư, dự án này vẫn là đồng cỏ hoang, lác đác vài ngôi nhà lụp xụp của những hộ dân chưa di dời khỏi vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, dự án mới chỉ giải phóng được 116ha trên tổng số 880ha diện tích mặt bằng. Với thực trạng giải phóng mặt bằng kéo dài hơn thập kỷ thì việc xác định mốc thời gian hoàn thành giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị Đại học Quốc tế được xem là bài toán khó với các cơ quan chức năng của TP. HCM.

Theo tìm hiểu, Berjaya Việt Nam là một chi nhánh thuộc Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia).

Từ năm 2006 – tháng 2/2007, Tập đoàn Berjaya đã chính thức trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại nước ta. Từ đó cho tới nay, tập đoàn này đã đầu tư ở Việt Nam những dự án lớn như: InterContinental Hanoi Westlake, Long Beach Resort Phú Quốc... Tuy nhiên giai đoạn 2017 – 2019, Berjaya đã phải bán đi nhiều dự án lớn, đáng chú ý là thương vụ chuyển nhượng dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam cho Vinhomes với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD.

Tại Malaysia, Tập đoàn Berjaya sở hữu nhiều trung tâm thương mại lớn như: Berjaya Mega Mall, Kuantan, Pahang; Plaza Berjaya (tại Kuala Lumpur); Kota Raya Complex (tại Kuala Lumpur).