Năm ngoái, Singapore đã triệt phá đường dây rửa tiền trị giá 2,24 tỷ USD do người nước ngoài điều hành, với 10 kẻ phạm tội cuối cùng bị kết án vào ngày 10/6. Các đối tượng đã giữ tiền trong tài khoản ngân hàng ở Singapore và chuyển một phần trong đó thành bất động sản, ô tô, túi xách và đồ trang sức…. Kể từ khi vụ rửa tiền quy mô lớn này bị phát hiện và triệt phá, chính phủ Singapore đã thành lập một Ủy ban liên bộ để xem xét cơ chế chống rửa tiền, đồng thời tăng cường kiểm soát dòng vốn của cải và các cá nhân giàu có.
Trong báo cáo đánh giá rủi ro mới được phát đi, giới chức Singapore cho biết các mối đe dọa rửa tiền chính của nước này bắt nguồn từ gian lận - đặc biệt là lừa đảo qua mạng - tội phạm có tổ chức, tham nhũng, tội phạm thuế và rửa tiền dựa trên thương mại. Các nhà phân tích cũng đưa thêm các lĩnh vực rủi ro mới không có trong báo cáo trước, bao gồm các dịch vụ tiền kỹ thuật số, đại lý đá quý và kim loại quý.
Các ngân hàng dễ bị tội phạm lợi dụng hơn do vai trò của họ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho khối lượng giao dịch lớn và phục vụ những khách hàng có rủi ro cao.
Trong lĩnh vực tài chính, các nhà cung cấp dịch vụ DPT, còn được gọi là nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, tiền điện tử được xếp loại là "có rủi ro cao" hơn hẳn trong hoạt động rửa tiền. Báo cáo nhấn mạnh sự gia tăng các trường hợp rửa tiền được báo cáo liên quan đến DPT và nhiều phương thức khai thác khác nhau.
“Vị trí của Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính, thương mại quốc tế khiến nước này gặp rủi ro về việc bọn tội phạm lợi dụng sự cởi mở về kinh tế, hệ thống tài chính và cơ sở hạ tầng kinh doanh để rửa hoặc di chuyển tiền, tài sản bất hợp pháp,” báo cáo cho biết.
Singapore đã được hưởng lợi từ dòng tài sản chảy mạnh vào châu Á nhờ sự ổn định chính trị, thuế thấp và các chính sách thuận lợi. Trung tâm tài chính châu Á có tài sản được quản lý trị giá 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Tính đến cuối năm 2022, có tới 76% tài sản của Singapore được quản lý có nguồn gốc từ bên ngoài.
Theo thống kê của chính phủ, số lượng văn phòng gia đình hoặc công ty một cửa quản lý danh mục đầu tư của những người giàu có ở thành phố đã tăng lên khoảng 1.400 vào năm ngoái từ mức 1.100 một năm trước.
Giới chức Singapore khẳng định các nỗ lực chống hoạt động rửa tiền sẽ theo kịp các rủi ro được xác định.
Vào tháng 4, Cơ quan tiền tệ Singapore thông báo rằng họ sẽ thực hiện sửa đổi Đạo luật dịch vụ thanh toán của đất nước để mở rộng phạm vi dịch vụ được quản lý liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền điện tử.