Trong 2 ngày gần đây, thị trường vàng xôn xao câu chuyện một số khách hàng mang vàng miếng SJC ra Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nhưng bị từ chối mua lại. Theo chia sẻ của các khách hàng này, đây là những miếng vàng được mua trong khoảng năm 1995,1996, hiện tại gia đình có việc cần tiền nhưng lại không thể bán.
Người dân bức xúc
Trước vấn đề này, Công ty SJC lý giải, vàng một chữ là loại vàng miếng có một ký tự chữ trước dãy số sê ri, được sản xuất theo khuôn cũ trong giai đoạn 1992 – 1996. Thông thường, với loại vàng này hay vàng móp méo, sau khi thu mua lại trên thị trường với khối lượng khoảng 1.000 lượng sẽ xin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gia công lại.
Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, SJC đã dừng thu mua vì lượng tồn kho đã lên quá cao, trong khi chưa có thông tin NHNN khi nào mới cho phép gia công, dập lại loại vàng này.
Bởi lẽ, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng đã quy định rõ "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng".
Do đó, không có tổ chức, cá nhân nào được sản xuất vàng miếng, kể cả SJC. Mỗi năm, Công ty SJC sẽ thu mua lại vàng miếng móp méo trên thị trường và xin cấp phép gia công lại rồi bán trở lại thị trường nên công ty phải chờ hạn mức (quota) của NHNN cho năm nay.
Ngay sau khi thông tin loại vàng một chữ hay móp méo bị từ chối mua lại lan rộng, nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi rơi vào tình huống khó khăn do công ty đột ngột dừng mua vàng. Nhiều trường hợp tích góp nhiều năm, cần bán để chi tiêu gấp nhưng không bán được ngay tại trụ sở Công ty SJC.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, người mua chỉ biết vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, chứ không biết một chữ hay hai chữ thế nào. Bây giờ không thu mua vàng miếng một chữ, vậy sau này chính sách thay đổi lại không mua vàng miếng hai chữ thì sao?
Tương tự, chị Thu Huyền (quận 1, TP.HCM) cho biết, việc từ chối mua lại sản phẩm do chính mình sản xuất ra là một điều vô lý, chẳng khác nào không dám công nhận thương hiệu của chính mình.
Hay như anh Thanh Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên SJC từ chối mua lại vàng do mình sản xuất, hồi năm 2016 đã từng xảy ra trường hợp tương tự. Tại thời điểm này, muốn bán vàng miếng thậm chí còn phải mất phí khoảng 30.000 - 40.000 đồng/lượng nhưng sau đó Công ty SJC đã phải bỏ điều kiện này. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra thì ai dám mua vàng SJC nữa.
Tương tự anh Nguyễn Văn Đức (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cũng là vàng của SJC làm ra nhưng lại có sự phân biệt không có lý do chính đáng, khiến người dân mua vàng từ những năm trước đó “điêu đứng”.
NHNN cần rút ngắn thời gian cấp phép
Tại Quyết định 1623 về việc tổ chức và quản lý sản xuất quy định, NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng hàm lượng 99,99%, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của Công ty SJC. Khối lượng của loại vàng miếng SJC được sản xuất do NHNN quyết định trong từng thời kỳ.
Khi có nhu cầu gia công vàng miếng, NHNN gửi văn bản yêu cầu cho Công ty SJC bao gồm: khối lượng, thời gian, loại vàng cần gia công. Tuy nhiên, quá trình này thường mất khá nhiều thời gian dẫn đến tồn kho nhiều, ảnh hưởng đến cân đối vốn của Công ty SJC.
Trước đó, tại một tọa đàm trực tuyến về thị trường vàng, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, lâu nay vàng miếng SJC luôn được người dân ưa chuộng bởi đây là thương hiệu vàng quốc gia, đem lại độ tin cậy, an toàn cao đối với hoạt động tích lũy.
Ngoài thương hiệu, sức hấp dẫn của vàng SJC còn đến từ việc thanh khoản tốt, với độ nhận diện thương hiệu cao, khi cần có thể quy đổi ngay ra tiền mặt tại bất kỳ cửa hàng nào. Chưa kể, trong dài hạn, vàng miếng SJC còn có xu hướng tăng giá mạnh.
Để giải quyết tình trạng thanh khoản của người dân cũng như đảm bảo uy tín của thương hiệu vàng quốc gia, TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, NHNN cần cho mở xưởng gia công lại vàng một chữ, móp méo sớm để Công ty SJC thu mua lại vàng trên thị trường.
Đồng thời, thủ tục cấp phép cần phải nhanh hơn, đơn giản hơn, mở rộng hạn mức gia công để giải phóng lượng hàng tồn kho, không làm gián đoạn việc thu mua vàng trên thị trường của các đơn vị.
Bởi, việc vàng miếng SJC một chữ không được mua lại đã tạo ra sự phân biệt đối xử. Trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành đều công nhận quyền nắm giữ, giao dịch mua bán tất cả các loại vàng miếng hợp pháp của người dân, không có sự phân biệt đối xử, không hạn chế lưu thông các loại vàng đã được NHNN cấp phép sản xuất.