Quý 1/2024 khép lại với nhiều điểm sáng, nhưng nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thì cần đặc biệt chú trọng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ… để đưa nền kinh tế tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính xoay quanh vấn đề này.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế quý 1? Theo ông, đâu là sự chuyển biến đáng chú ý nhất?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Như chúng ta đã thấy, tăng trưởng GDP quý 1 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, tăng 5,66%. Đây là mức tăng sát với kịch bản cao đưa ra tại Nghị quyết 01.
Trong mức tăng chung này, xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng tích cực. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu quý 1/2024 đạt 178 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17%, nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% nhờ lực cầu phục hồi, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam (như Mỹ, EU, ASEAN, Hàn Quốc…). Theo đó, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư 8,08 tỷ USD, gấp 1,65 lần cùng kỳ năm 2023, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
Thu hút vốn FDI cũng rất lạc quan khi đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI cũng đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức giải ngân này cũng cao nhất từ 2017 đến nay. Đây là mức tăng rất đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn chưa hết khó khăn. Điều này thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có niềm tin vào kinh tế Việt Nam.
Tiêu dùng cũng duy trì được đà phục hồi khi tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy và cải thiện rõ rệt. Tổng số vốn giải ngân trong quý I/2024 đạt 97,75 nghìn tỷ đồng, bằng 13,9% kế hoạch năm và tăng 3,74% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp răng 5,67% trong quý 1. Dù vậy, đà phục hồi chưa thực sự bền vững khí chỉ số PMI chỉ đạt khoảng 50 điểm.
Một điều cũng rất đáng mừng là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh kinh tế - chính trị thế giới biến động; mặt bằng lãi suất tiếp tục ở mức thấp, tăng trưởng tín dụng đang bắt đầu tăng trở lại sau 2 tháng đầu năm trầm lắng (có tính mùa vụ); nợ công, nợ nước ngoài dưới ngưỡng Quốc hội cho phép…
Trong quý 1/2024, số lượng doanh nghiệp phá sản vẫn rất lớn, nhiều hơn số thành lập mới. Theo ông vì sao kinh tế tăng mạnh nhưng tình hình doanh nghiệp lại xấu như vậy?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Số doanh nghiệp thành lập mới của tháng 3 cao hơn so với tháng 2, cũng tăng nhiều hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số doanh nghiệp xin ngừng hoạt động và chờ phá sản cũng tăng một cách đáng kể. Có thể thấy, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn và quá trình tái cấu trúc nền kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp không thể chịu được. Dù vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động là có nguồn thu thật, phải phá sản thì rất thiệt thòi cho nền kinh tế.
Thời gian quan, cơ quan quản lý cũng đã có nhiều sự quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ví dụ giảm, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất…; giảm thuế VAT, tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi… Qua đó, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, tăng lợi nhuận và doanh nghiệp cũng có điều kiện tăng khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ nền kinh tế phát triển.
Các doanh nghiệp hiện mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn, nhưng rõ ràng mức độ hỗ trợ cũng cần xem xét đến nguồn lực của Nhà nước. Việc hỗ trợ cần “đúng và trúng”, vừa hỗ trợ được doanh nghiệp, vừa tác động hiệu quả đến nền kinh tế cũng như duy trì được sự bền vững của nền kinh tế về lâu dài.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, tôi cho rằng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy số hoá nền kinh tế cũng như chuyển đổi xanh. Chính phủ cũng xem nhiệm này là vấn đề hết sức quan trọng và đã có hẳn một nghị quyết từ đầu năm về vấn đề này.
Như vậy, kinh tế số, kinh tế xanh cũng là động lực mới rất quan trọng cho tăng trưởng, cũng như với sự phát triển của doanh nghiệp, thưa ông?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Năm 2024 là năm bản lề cực kỳ quan trọng để chuyển đổi nền kinh tế phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Năm nay, rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới về công nghệ đã đầu tư vào Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển đổi từ nền sản xuất công nghệ thấp sang nấc thang cao hơn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều từ cơ chế chính sách, hoạt động sản xuất kinh doanh đến đào tạo con người…
Chúng ta đang phải làm rất nhiều việc để nắm bắt các cơ hội, trong đó phải chú trọng những động lực kinh tế mới như kinh tế số để phát triển. Các động lực cũ, ví dụ đầu tư công chẳng hạn, đây vẫn là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp hồi phục, là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhưng để Việt Nam phát triển lên nấc thang cao hơn thì chúng ta phải thay đổi hẳn chất lượng của nền kinh tế.
Đối với kinh tế số, cần thiết lập được một kho dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp chỉ cần nộp giấy tờ vào một cơ quan thì các cơ quan khác cũng có đủ dữ liệu để xử lý.
Thực ra, việc liên thông giữa các bộ, ngành địa phương có thể thực hiện được rất dễ dàng. Nếu địa phương nào đó tự “đẻ” ra một cơ chế, chính sách không phù hợp thì các cơ quan sẽ phát hiện ra ngay. Tuy nhiên, các bộ ngành, địa phương cần chung tay với nhau, tránh tình trạng cát cứ dữ liệu.
Còn với kinh tế xanh, việc xanh hoá hoạt động của nền kinh tế cũng cần được tiến hành trong thời gian tới, bởi đây đang là xu hướng chung của thời đại. Nhiều quốc gia đã bắt đầu đặt tiêu chí xanh đối với hàng hoá nhập khẩu từ ngày 1/7 tới đây. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý để đáp ứng các yêu cầu của các đối tác xuất khẩu.
Có thể thấy, việc chuyển đổi xanh đang là luật chơi mới. Nhiều nước châu Âu, Mỹ chuẩn bị áp tiêu chuẩn về c02, tái chế phế phẩm… đối với hàng hoá nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được thì sẽ không được nhập khẩu vào các quốc gia này. Năm vừa qua, một số ngành hàng của Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng trực tiếp khi thiếu hụt đơn hàng bởi không đáp ứng được các tiêu chuẩn về xanh, bền vững.
Nhiều người cứ nghĩ việc xanh hoá này còn nhiều thời gian, nhưng thực tế chúng ta không còn thời gian để trì hoãn. Có thể nói, nước không chỉ tới chân, mà đã tới cổ. Nếu doanh nghiệp Việt không đáp ứng được thì sẽ phải “chơi một mình”, không thể tham gia vào sâu hơn sân chơi quốc tế.
Dù các báo cáo cũng đã chỉ ra nhiều lạc quan, nhưng theo ông, đâu là những khó khăn chúng ta đang phải đối mặt trong 2024?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn mà chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua.
Nền kinh tế thế giới tăng trưởng vẫn chậm so với mong muốn, lạm phát giảm chậm nên việc tăng trương xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều ngành nghề của Việt Nam có đơn hàng đến tháng 6 nhưng từ tháng 7 trở đi vẫn đang còn nhiều khoảng trống. Do đó, việc tiếp tục tìm kiếm thị trường để mở rộng xuất khẩu đang là một công việc phải quan tâm đẩy mạnh.
Thêm vào đó, cùng với đà lạm phát giảm chậm thì việc nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam là có khả năng. Bởi vì Việt Nam đang có mức nhập khẩu hơn 40% để sản xuất hàng xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp thuần Việt thì mức nhập khẩu còn khá lớn, nếu không cẩn trọng sẽ nhập khẩu lạm phát.
Tiêu thụ của nền kinh tế trong thời gian qua có tăng trưởng nhưng mức tăng vẫn thấp. 3 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 8%. Do đó, việc tiếp tục tìm mọi cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng rất quan trọng.
Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù 3 tháng đầu năm cao hơn so với cùng kỳ, nhưng rõ ràng việc giải ngân đầu tư công càng thì độ lan toả của nó trong thời gian sau càng lớn, nên việc tiếp tục tìm cách giải bài toán về nguyên vật liệu, đầy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ kích thích nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Thêm nữa, bối cảnh thế giới hiện nay cũng không hoàn toàn thuận lợi khi tăng trưởng chậm lại, sức cầu dù phục hồi nhưng vẫn còn yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam.
Còn trong nước, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Đáng chú ý là các động lực tăng trưởng truyền thống (như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) vẫn đang chậm phục hồ, còn các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh…) thì chưa thực sự được phát triển mạnh, cơ chế thử nghiệm sandbox cho lĩnh vực này vẫn chậm…
Như đã phân tích, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chi phí còn lớn, các vướng mắc chưa được khơi thông, đặc biệt là thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp; tăng trưởng tín dụng vẫn chậm và nợ xấu đang gia tăng…
Như vậy, theo ông năm nay có đạt được mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,5-7%?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: 3 tháng đầu năm, tóc độ tăng trưởng 5,66%, cao nhất từ 2020 đến nay. Các điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế đang khá đầy đủ. Ví dụ kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, đồng tiền giữ được giá, lãi suất thấp, các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài… đều đang có chiều hướng tốt.
Từ tháng 11-12 năm ngoái tăng trưởng kinh tế đã tốt lên rồi. Tôi kỳ vọng mức tăng còn cao hơn, nhưng mức tăng của tháng 10 còn khá chậm chạp. Nhìn chung cả năm, tôi cho rằng mức tăng này là phù hợp.
Do đó, năm 2024 hoàn toàn có thể đạt được 6,3-7% và lạm phát nằm ở khoảng 3,3-3,5% (dù cho tới đây chúng ta tăng lương, tăng giá một số dịch vụ công…).
Tôi cho rằng có 2 kịch bản với tăng trưởng GDP trong năm 2024. Thứ nhất, nếu kinh tế vẫn trì trệ, lạm phát cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm… thì tăng trưởng chỉ đạt 5,5-6,5%.
Ở kịch bản thứ hai, khi kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, lạm phát thấp, các ngân hàng trung ương giảm lãi suất… kết hợp với kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được ổn định thì có thể đạt được mức tăng trưởng từ 6,2 - 7% trong năm 2024.
Xin cảm ơn ông!