Từ ngày 1/1/2025, Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Trong đó có quy định mới về việc điều chỉnh tên gọi của “sổ hồng”.
Cụ thể, theo Luật Đất đai 2013, người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất có tên gọi là “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”
Còn Luật Đất đai 2024, thay đổi ngắn gọn hơn thành cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất”.
Theo PGS-TS Lưu Quốc Thái (Trường ĐH Luật TP.HCM), việc đổi tên sổ hồng như trên giúp ngắn gọn và hợp lý hơn. Ông Thái cho rằng, bản chất nhà ở là một loại tài sản gắn liền với đất nên ghi tiêu đề “quyền sở hữu nhà ở” trên giấy chứng nhận là không cần thiết. Vì vậy, việc thay đổi tên gọi sổ hồng theo Luật Đất đai 2024 là phù hợp.
Cùng quan điểm trên, luật sư Trần Vân Linh (Đoàn LS TP.HCM) cũng ủng hộ với việc thay đổi tên gọi sổ hồng như trên.
Theo luật sư, mặc dù tên gọi của giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2013 hay Luật Đất đai 2024 đều ghi nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất nhưng theo Luật Đất đai 2013 có vẻ tách quyền sở hữu nhà ở với các tài sản khác trên đất ra khác nhau.
Vị luật sư đánh giá, tên gọi của giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2023 khá dài và không cần thiết. Trong khi tất cả tài sản trên đất dù là nhà hay công trình xây dựng khác đều là tài sản có chủ sở hữu và cần phải đăng ký.
Luật sư Trần Vân Linh cho rằng, tên gọi mới đã đủ xác lập quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với tất cả loại tài sản phải xác lập quyền sở hữu.
Thêm một ý kiến khác, luật sư Phạm Ba Đô nhận định, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực khác biệt ở chỗ, nhà làm luật không liệt kê thêm quyền sở hữu nhà ở vào tên gọi của giấy chứng nhận mà gộp chung vào nhóm “tài sản gắn liền với đất”. Quy định này chủ yếu thay đổi về cách gọi tên giấy chứng nhận chứ không thay đổi nhiều về bản chất.