Số tiền nhỏ nhưng tình cảm lớn của những em bé mong giúp đỡ đồng bào vùng lũ

Bé Nguyễn Minh Đăng Dương đã trích 500.000 đồng từ tiền bán bánh sandwich mùa hè để ủng hộ đồng bào vùng lũ. Còn bé Võ Xuân Nghi cũng đóng góp 360.000 mà em tự mình kiếm được bằng cách gom vỏ lon, bìa carton đi bán trong suốt mùa hè.

Quyên góp tiền bản thân kiếm được

Bé Nguyễn Minh Đăng Dương, học sinh lớp 8 Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội, đã trích 500.000 đồng từ tiền lời bán bánh sandwich mùa hè để ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Dương chia sẻ, suốt mùa hè vừa qua, em đã tự tay bán bánh sandwich tại sảnh chung cư để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới. Mỗi ngày, em dậy từ 5h sáng để chuẩn bị nguyên liệu như làm bánh, chiên trứng và luộc xúc xích. Dương bán bánh cho đến khoảng 9h sáng và cửa hàng nhỏ của em đã hoạt động liên tục trong 27 ngày. Tiệm sandwich của Dương được đông đảo cư dân trong chung cư ủng hộ, giúp em thu về một số tiền kha khá.

tre-em-ung-ho-1-1726448131.jpg
Dương đã trích tiền lời bán bánh sandwich mùa hè để ủng hộ đồng bào vùng lũ

Khi nghe tin đồng bào vùng lũ đang thiếu lương thực và gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, Đăng Dương đã quyết định trích một phần tiền lời để ủng hộ. Em âm thầm bỏ tiền vào bao thư, và mẹ của Dương, chị Linh, tình cờ thấy và chụp ảnh lại. Tuy nhiên, Dương không cho mẹ đăng ảnh lên mạng xã hội, em nói: "Từ thiện, không cần phải khoe khoang".

Chị Linh chia sẻ, nhờ hành động của con, nhiều khách hàng của tiệm sandwich đã biết và khen ngợi cậu bé vì tấm lòng nhân ái. Họ còn hứa sẽ tiếp tục ủng hộ tiệm của Dương vào mùa hè năm sau.

Còn bé Võ Xuân Nghi (học lớp 4, Trường Tiểu học Lê Lai, Đà Nẵng) khiến nhiều người cảm động đóng góp 360.000 đồng toàn tiền lẻ để ủng hộ đồng bào vùng lũ.

Xuân Nghi cho biết, số tiền trên là em tự mình kiếm được bằng cách gom vỏ lon, bìa carton đi bán trong suốt mùa hè. Ngoài ra, em còn đạt được 2 giải ba trong một cuộc thi bơi của thành phố, mỗi giải trị giá 100.000 đồng. Bé Nghi chia sẻ, em rất quý số tiền này và không ai được đụng vào. Trước đó, em đã trích ra một ít để mua dụng cụ học tập. Số tiền còn lại Nghi quyết định ủng hộ các bạn học sinh vùng lũ sau khi nghe thầy cô kêu gọi.

tre-em-ung-ho-2-1726448131.jpg
Lời nhắn dễ thương của bé Nghi

Gia đình Nghi bán sữa chua, nên thường có rác thải nhỏ. Thay vì bỏ đi, em xin mẹ giữ lại để gom bán ve chai. Em luôn tiết kiệm từng đồng để mua đồ dùng học tập hay quà sinh nhật cho bạn bè. Tuy nhiên, khi nghe tin về hoàn cảnh khó khăn của các bạn nhỏ vùng lũ, Xuân Nghi đã quyết định góp hết số tiền còn lại để giúp đỡ.

Bà Hương Diệp, cán bộ truyền thông của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ, nhiều học sinh được bố mẹ đưa đến trụ sở để tự tay trao số tiền tiết kiệm của mình nhằm ủng hộ đồng bào vùng lũ. Điển hình là em Đoàn Minh Đức, học sinh lớp 4D Trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội) đã quyên góp toàn bộ tiền học bổng của mình vào ngày 13/9.

Việc ủng hộ là của học sinh thay vì của phụ huynh

Trong thông báo phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ, Trường THCS và THPT M.Lômônôxốp đã khuyến khích học sinh tham gia nhưng yêu cầu mỗi em không được ủng hộ quá 30.000 đồng.

Nội dung thông báo ghi rõ: "Nhằm giáo dục học sinh về truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, nhà trường khuyến khích các em tham gia với tinh thần tự nguyện (không quá 30.000 đồng/học sinh). Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không bắt buộc phải tham gia".

tre-em-ung-ho-1726448131.jpg
Trường THCS và THPT M.Lômônôxốp yêu cầu học sinh không ủng hộ quá 30.000 đồng

Chia sẻ về thông báo này, ông Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.Lômônôxốp cho biết, nhà trường phát động phong trào dựa trên tinh thần giáo dục, khơi dậy tinh thần đùm bọc và chia sẻ giữa học sinh, nhưng đồng thời cũng muốn các em cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi cho đi, tránh sự phô trương hay so sánh giữa các em.

Ông Tùng giải thích, mức 30.000 đồng là con số phù hợp với khả năng của học sinh. Các em có thể sử dụng tiền tiết kiệm hoặc tiền tiêu vặt của mình để ủng hộ mà không cần phải xin tiền bố mẹ. Việc ủng hộ thực sự là của học sinh thay vì của phụ huynh.

Khi giới hạn số tiền ở mức 30.000 đồng, những học sinh chỉ có 10.000 hoặc 20.000 đồng cũng có thể quyên góp mà không cảm thấy tự ti so với các bạn khác. Nếu không đặt giới hạn, học sinh có thể so sánh lẫn nhau, dễ dẫn đến tâm lý phô trương hoặc tự ti, mất đi giá trị cốt lõi của hoạt động từ thiện.

Ngoài ra, ông Tùng cũng cho hay, với cán bộ và giáo viên của trường, không có giới hạn về số tiền quyên góp. Nhà trường sẽ trích thêm từ quỹ để ủng hộ cho người dân vùng bão lũ, đây là khoản ủng hộ chủ yếu.

Trong danh sách sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ ngày 12 đến 13/9, nhiều khoản tiền ủng hộ chỉ có giá trị 10.000 đến 20.000 đồng. Nội dung chuyển khoản thường đi kèm những lời chia sẻ như "Cháu là học sinh, cháu chỉ có chút tiền". Tuy nhiên, những khoản tiền nhỏ bé này lại khiến cộng đồng mạng cảm động vì sự chân thành.

(Tổng hợp)