Việc các dự án thuộc phân khúc trung cấp được thay thế dần bằng các dự án cao cấp, hạng sang đã khiến mặt bằng giá trung bình của chung cư tăng mạnh nhất từ năm 2021 đến nay. Hầu hết dự án mới chào bán tại Hà Nội đều thiết lập mặt bằng mới, bình quân khoảng 65 triệu đồng/m2.
Theo dữ liệu của OneHousing, giao dịch chung cư sơ cấp và thứ cấp vẫn tăng cao trong tháng 7. Trong đó, lượng giao dịch sơ cấp tại Vinhomes Ocean Park chiếm 60%, tại Vinhomes Smart City lên tới 90%. Tổng lượng giao dịch trong tháng 7 tại 2 đại đô thị này ghi nhận tăng trưởng 120% so với đầu năm.
Trên thị trường sơ cấp, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận tổng giao dịch khoảng 3.200 căn, tăng 35% so với tháng trước. Trong đó, khu Tây và khu Đông có số giao dịch chuyển nhượng lần lượt tăng 22% và 39% so với tháng 6. Riêng dự án Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City vẫn chiếm số lượng cao đạt tổng 30% so với toàn thị trường Hà Nội, tăng 6% so với đầu năm.
Ông Trần Minh Tiến – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và am hiểu khách hàng OneHousing nhận định, giao dịch chuyển nhượng chung cư tại Hà Nội tăng cao trong tháng 7 là do xu hướng khách hàng muốn hoàn tất giao dịch trước tháng ngâu. Cùng với đó, nhu cầu mua nhà ở thực vẫn duy trì ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Cũng theo ông Tiến, trong khi giá chung cư mới liên tục tăng cao, nhiều khách hàng có xu hướng lựa chọn chung cư chuyển nhượng với giá cả hợp lý hơn. Các căn hộ thứ cấp còn có lợi thế về pháp lý hoàn thiện và có thể ở được ngay.
Ở một chiều hướng khác, nhóm “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” trên mạng xã hội Facebook liên tục gia tăng thành viên. Tính đến thời điểm hiện tại, người tham gia nhóm đã đạt hơn 85.500 người, tăng gấp gần 5 lần so với thời điểm mới thành lập hồi tháng 4.
Trong nhóm này, các thành viên liên tục đăng tải những bài chia sẻ về câu chuyện dừng kế hoạch hoạch mua nhà vì khó chấp nhận mức giá căn hộ chung cư như hiện nay. Chẳng hạn như câu chuyện của chị Lan Hương (quận Đống Đa), trong những tháng gần đây, không chỉ mặt bằng giá mới duy trì ở mức cao mà tại giao dịch chuyển nhượng, môi giới cũng liên tục báo giá tăng, chỉ cách nhau vài ngày giá đã tăng thêm vài trăm triệu đồng. Do đó, gia đình chị đã chọn phương án tạm dừng mua và đi thuê nhà do vượt quá khả năng chi trả, không muốn gánh nặng nợ vay.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho rằng, việc tăng giá một số phân khúc nhà đất tăng giá thời gian gần đây không phải là “sốt” mà là dấu hiệu bất thường mang tính cục bộ trên thị trường.
Trong bối cảnh bất động sản chưa hồi phục hoàn toàn, các dự án vẫn bị ách tắc, người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn mà vẫn diễn ra hiện tượng tăng giá và lại tăng tại các khu vực không có dự án mới là điều không bình thường. Do đó, nhà đầu tư, người mua nhà ở thực cần thận trọng khi quyết định mua bán, tránh rơi vào “bẫy” tăng giá của thị trường.
Nhiều chuyên gia bất động sản khác cũng lo ngại giá chung cư quá cao sẽ vượt sức mua của người dân, đồng thời nhận định, đây là chiêu trò của nhóm đầu cơ hoặc chủ đầu tư trong một dự án khi chỉ cần đẩy giá vài căn hộ là có thể tạo mặt bằng giá cao cho dự án.
Thực tế, thị trường hiện nay đang rơi vào tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm khi các chủ đầu tư chỉ tập trung xây dựng sản phẩm bá cho người có điều kiện tài chính tốt. Tuy nhiên, với hàng loạt các động thái đẩy mạnh xây dựng dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới, nguồn cung nhà cho người thu nhập trung bình và thấp sẽ tăng thêm rất nhiều.
Trước đà tăng giá “phi mã” như trên, Nghị định 96 có hiệu lực từ ngày 1/8, đã yêu cầu Bộ Xây dựng phải đề xuất các biện pháp điều tiết, khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng, giảm trên 20% trong 3 tháng hoặc thị trường có các thay đổi ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.