Sự cố mạng máy tính toàn cầu và hồi chuông cảnh báo về sự “mong manh” của Internet

Vụ sập mạng máy tính toàn cầu diễn ra ngày 19/7 ảnh hưởng trực tiếp tới hàng loạt các sân bay, tổ chức tài chính, ngân hàng và cả Olympic 2024... cuối cùng cũng đã được xác định nguyên nhân. Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối nguy cơ mang tính hệ thống, liên quan mạng internet toàn cầu.

Tổng Giám đốc điều hành CrowdStrike là George Kurtz đã lên tiếng về vụ việc, đồng thời gửi lời xin lỗi tới khách hàng và những người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố: “Chúng tôi vô cùng xin lỗi về những tác động mà sự cố của chúng tôi đã gây ra cho các cho tất cả mọi khách hàng, du khách và những người có liên quan. Có thể sẽ mất một khoảng thời gian để một số hệ thống không tự động có thể phục hồi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đảm bảo phần mềm mà khách hàng sử dụng sẽ được khôi phục hoàn toàn”.

su-co-man-hinh-xanh-chet-choc-1721452372.jfif
Sự cố "màn hình xanh chết chóc" trên hệ thống sử dụng Windows đã khiến hoạt động của hàng loạt sân bay, truyền hình, tài chính, thương mại bị tê liệt.

Theo đại diện CrowStrike, ngay trong ngày 19/7, công ty đã ghi nhận nhiều báo cáo về hiện tượng “màn hình xanh chết chóc” (BSOD) trên các máy chạy Windows. Thuật ngữ để mô tả các sự cố không thể truy cập trên hệ điều hành Windows của Microsoft.

Sự cố này khiến hàng loạt các dịch vụ phần mềm của Microsoft 365 bao gồm Team, OneDrive ngừng hoạt động đột ngột, ảnh hưởng tới khách hàng trên toàn cầu. CrowdStrike cũng khẳng định, đây không phải sự cố bảo mật hay hậu quả của một vụ tấn công mạng nào. Công ty đã nhanh chóng triển khai các biện pháp để khắc phục.

Như đã đưa tin, sự cố diễn ra ngay sau khi CrowdStrike triển khai một bản cập nhật phần mềm có tên Falcon Sensor vốn dùng để bảo vệ máy tính Windows đột nhiên phản tác dụng, gây ra sự cố “màn hình xanh chết chóc”, đã ảnh hưởng đến hàng loạt khách hàng dùng hệ điều hành Windows của Microsoft trên toàn cầu. CrowdStrike hiện đang là một trong những đối tác quan trọng của Microsoft. 

Trong một tuyên bố trước đó của CrowdStrike, có hơn một nửa các công ty trong danh sách Fortune 500 dùng phần mềm của mình, vì vậy phạm vi ảnh hưởng của sự cố có thể rất lớn.

Gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft sau đó đã nhanh chóng trấn an các khách hàng sử dụng Windows của mình và tuyên bố sự cố đã được khắc phục, tuy nhiên những ảnh hưởng của nó thì vẫn chưa dừng lại. Nhiều chuyến bay từ các hãng hàng không trên thế giới tiếp tục bị đình chỉ, các đài truyền hình bị ngưng phát sóng, một số dịch vụ ngân hàng, hệ thống chăm sóc sức khỏe chạy hệ điều hành Microsoft tại nhiều quốc gia cũng lâm vào tình trạng tê liệt…

Sự cố tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ tương tự đối với những hệ thống mạng toàn cầu. Theo Giáo sư Ciaran Martin của Trường Chính phủ Blavatnik, thuộc Đại học Oxford, kiêm cựu Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Quốc gia Anh thì đây là minh họa rất khó chịu về sự mỏng manh của cơ sở hạ tầng internet trọng điểm mang tính toàn cầu.

Mặc dù sự cố đã được xử lý, tuy nhiên theo các nhà phân tích, đây có thể là lỗi mất kết nối lớn nhất và có tính tàn phá khủng khiếp đối với các mạng lưới internet từ trước đến nay. “Các công cụ bảo mật thông tin được tạo ra để giúp công ty vẫn hoạt động được khi bị tấn công dữ liệu. Nhưng nếu những công cụ này là nguyên nhân gây ra sự cố, làm sập hệ thống kết nối Internet toàn cầu, thì thảm họa sẽ vô cùng”, ông Ajay Unni – Tổng Giám đốc công ty an ninh mạng StickmanCyber có trụ sở tại Australia nhận định.

Đáng lưu ý, đây không phải là vụ sập mạng máy tính trên phạm vi toàn cầu được ghi nhận. Trước đó, thế giới cũng ghi nhận một số sự cố nghiêm trọng. Đầu tiên, phải kể đến sự cố Y2K diễn ra năm 2000, liên quan đến cách các máy tính lưu trữ năm bằng hai chữ số. Khi chuyển sang năm 2000, nhiều người lo ngại các hệ thống máy tính sẽ nhận diện năm 2000 là năm 1900, dẫn đến lỗi phần mềm. Tuy nhiên, nhờ vào sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phần lớn ảnh hưởng của sự cố đã tránh được.

su-co-y2k-1721452641.jpg
Sự cố Y2K từng là nỗi ám ảnh của mạng máy tính toàn cầu đầu những năm 2000.

Tiếp đến là sự cố máy chủ Amazon Web Services (AWS)  diễn ra vào năm 2011, ảnh hưởng đến nhiều trang web và dịch vụ trực tuyến, làm gián đoạn hoạt động của nhiều doanh nghiệp và gây tổn thất lớn về kinh tế.

Sự cố Google diễn ra năm 2013 mặc dù chỉ kéo dài khoảng 5 phút, tuy nhiên cũng đã khiến tất cả các dịch vụ của Google, bao gồm Gmail, YouTube và Google Search, ngừng hoạt động. Sự cố này gây ra giảm sút lớn trong lưu lượng truy cập Internet toàn cầu.

Một số sự cố được ghi nhận gần đây như sự cố máy chủ Facebook diễn ra năm 2019 làm Facebook, Instagram và WhatsApp bị gián đoạn trong nhiều giờ; Sự cố máy chủ Microsoft Azure diễn ra năm 2018 làm gián đoạn hoạt động của nhiều trang web và ứng dụng, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều tổ chức và doanh nghiệp; Sự cố máy chủ Fastly diễn ra năm 2021, làm gián đoạn hoạt động của nhiều trang web lớn như Amazon, Reddit, và The New York Times trong vài giờ.