Lạm dụng truyền dịch tại nhà, cẩn trọng với những biến chứng khó lường

Các chuyên gia y tế cho biết, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, do đó liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Do đó, việc tự ý truyền nước biển tại nhà khi không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay, dịch vụ truyền nước biển, truyền đạm, truyền dịch tại nhà nở rộ khắp TP. HCM. Trên mạng xã hội, các nhóm như "truyền nước biển tại nhà TP. HCM", "truyền nước biển tại nhà - dịch vụ khám bệnh tại nhà TP. HCM", "dịch vụ y tế tại nhà TP. HCM" có hàng ngàn thành viên. Đa số các bài đăng là của những người cần tìm dịch vụ truyền nước biển, có người còn để lại số điện thoại.

Chị N.T.T (quê Thái Bình, đang sinh sống ở quận 8, TP. HCM) cho biết, thỉnh thoảng những lúc quá mệt, chị thường gọi dịch vụ truyền nước biển tới tận nhà phục vụ. Sau mỗi lần truyền, chị đều cảm thấy khỏe hơn. Số tiền mỗi lần truyền nước biển tại nhà dao động từ 250.000 - 350.000 đồng. Mức giá này cũng không quá đắt nên những lúc cảm thấy quá mệt, chị T. lại gọi.

truyen-dich-2-1720322676.jpg
Nhiều người sử dụng dịch vụ truyền dịch tại nhà vì thấy tiện mà không biết tiềm ẩn nguy cơ tai biến

Chị T. kể, truyền dịch mỗi khi mệt là chị “học” được từ mẹ. Ở quê, mỗi lần mệt bà đều vào trạm y tế xã để truyền. Ban đầu, chị cũng nghĩ đến việc tới trạm y tế khu mình ở để truyền dịch, nhưng rồi để thuận tiện thời gian làm việc, chị chọn dịch vụ bên ngoài.

Nhiều người chỉ thấy sau truyền dịch, cơ thể thoải mái hơn. Nhưng họ không biết rằng, việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai biến, nếu không có chỉ định của bác sĩ và không có trang thiết bị chống sốc thì khả năng tử vong rất cao.

Mới đây, khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân 115 (TP. HCM) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ trong tình trạng nguy kịch liên quan tới nhiễm trùng và sốc phản vệ do truyền dịch tại nhà.

Người nhà cho biết, trước đó bệnh nhân cảm giác sốt nhẹ, đau nhức người do nhiễm siêu vi cảm cúm nên đã sử dụng dịch vụ “truyền nước biển” tại nhà. Ngay sau khi truyền chai dung dịch có màu trắng hồng khoảng 10 phút, nữ bệnh nhân đột ngột khó thở, vật vã, ra mồ hôi, nôn ói nhiều, run tay chân. Bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng tụt huyết áp nặng, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan. Sau khoảng 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã được xuất viện.

Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan chức năng TP. HCM cũng đã phát hiện một trường hợp đang truyền dịch cho người dân tại quán cà phê. Theo đó, bà V.K.P hẹn chị A.T tại một quán cà phê trên đường Hoàng Sa (phường Tân Định, quận 1) để truyền dịch. Lúc này, lực lượng Thanh tra Sở Y tế TP. HCM cùng Phòng y tế quận 1 đã ập vào kiểm tra.

truyen-dich-1-1720322676.jpg
Truyền nước biển tại quán cà phê (Ảnh: Duy Tính)

Làm việc với cơ quan chức năng, bà V.K.P cho biết, bà học lớp sơ cấp y 12 tháng vào năm 2009, nhưng không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Trong tháng 6 qua, bà đã truyền dịch tại nhà cho 2 khách hàng, giá 350.000 đồng/người. Với hành vi vi phạm không chứng chỉ hành nghề và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép, bà V.K.P đã bị lập biên bản và sẽ bị xử phạt đến 80 triệu đồng, buộc ngưng ngay việc hành nghề trái phép.

Các chuyên gia y tế cho biết, dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, do đó liều dùng phải do bác sĩ chỉ định. Trước khi truyền, bệnh nhân cần được khám tim, phổi, đo mạch… Để đề phòng rủi ro, trước khi truyền, nhân viên y tế cần kiểm tra kỹ chất lượng dịch truyền, lắc chai thuốc kiểm tra xem có vẩn đục hay không và chỉ dùng những chai thuốc trong suốt, hỉ truyền chai thuốc còn hạn dùng, thuốc đã mở nắp phải được dùng ngay.

Trong quá trình truyền dịch, bệnh nhân cần được theo dõi liên tục để đề phòng các tai biến xảy ra. Một số trường hợp chống chỉ định truyền dịch gồm người bị suy gan, viêm gan nặng, suy thận cấp, suy thận mãn, chấn thương sọ cấp…

Bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Quang Huy - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, có khoảng 20 loại dịch truyền phổ biến dùng để truyền tại nhà và được phân thành 3 nhóm. Mỗi nhóm dịch truyền dành riêng cho các đối tượng khác nhau.

Việc tự ý truyền nước biển tại nhà khi không có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nếu gặp tình huống khó thở, tím tái… thì đây là dấu hiệu của sốc phản vệ - tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.

Ngoài ra, việc tự truyền nước biển tại nhà nếu không đúng kỹ thuật, bảo đảm vô trùng dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các bệnh về máu nguy hiểm như viêm gan B, C, HIV/AIDS… Cần tránh lạm dụng việc truyền nước tại nhà để đề phòng nhiều tai biến có thể xảy ra.