Sửa quy định để tránh tình trạng “trắng” đơn vị đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành phố

Pháp luật hiện hành quy định, các trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ do liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thì sẽ bị đình chỉ 3 tháng. Như vậy sẽ có nhiều địa phương như Bắc Kạn, Thái Bình… có nguy cơ “trắng” đơn vị đăng kiểm.

Ngày 18/7, TAND TP. HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên vụ án sai phạm xảy ra ở Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm tại TP. HCM và 3 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Long An. Vụ đại án đăng kiểm này có số lượng người tham gia đặc biệt lớn với 254 bị cáo, hơn 60 bị hại là cá nhân và hơn 200 luật sư. Dự định, vụ án này sẽ xét xử trong 3 tháng.

sua-nghi-dinh-1721968238.jpg
Các bị cáo trong vụ "đại án đăng kiểm" tại phiên xét xử

Việc xét xử sẽ tác động rất lớn đến hoạt động định kiểm ở nhiều tỉnh, thành khi nhiều đăng kiểm viên có nguy cơ tù tội. Để tránh làm gián đoạn hoạt động đăng kiểm, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018 và nghị định 30/2023 liên quan đến quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Bởi pháp luật hiện hành quy định, đăng kiểm viên bị kết án liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thì bị thu hồi chứng chỉ. Các trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ do liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới thì sẽ bị đình chỉ 3 tháng. Điều này dẫn đến nhiều trung tâm đăng kiểm sẽ phải tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, có những địa phương như Bắc Kạn và Thái Bình… có nguy cơ “trắng” đơn vị đăng kiểm.

Trước tình trạng này, Bộ Giao thông Vận tải đã sửa nghị định theo hướng bãi bỏ quy định tạm đình chỉ hoạt động với trung tâm đăng kiểm có từ 3 lượt đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ.

Dự thảo cũng bổ sung quy định về việc di chuyển đơn vị đăng kiểm. Theo đó, việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm hoặc thay đổi vị trí đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan; phù hợp với mật độ, số lượng phương tiện kiểm định tại địa phương.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc bổ sung quy định trên nhằm tránh tính trạng nơi thiếu nơi thừa đơn vị đăng kiểm. Đặc biệt, tránh việc chấp thuận chủ trương xây dựng đơn vị đăng kiểm tràn lan, vượt quá nhu cầu kiểm định xe của địa phương, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

sua-nghi-dinh-1-1721968239.jpg
Các trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ thì không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên (Ảnh: PLO)

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm dự báo, với 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, thì tới năm 2026, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới vẫn chưa thể bù đắp được số lượng nhân sự bị thiếu hụt này. Do vậy, trong dự thảo nghị định, Bộ đề xuất các trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ thì không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên.

Liên quan đến đề xuất này, một chuyên gia trong lĩnh vực đăng kiểm chia sẻ, nghề đăng kiểm có tính chất đặc thù. Để có đăng kiểm viên làm việc được, đòi hỏi phải mất nhiều thời gian đào tạo, không thể có ngay được trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ, một đăng kiểm viên bậc cao (ký được các giấy tờ kiểm định) phải đào tạo tối thiểu 9 năm, trong đó 5 năm học ở trường, 4 năm thực tập và làm việc ở các trung tâm đăng kiểm.

Do vậy, đề xuất không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên là phù hợp trong thời điểm hiện tại để bù đắp lượng nhân sự đang thiếu hụt, qua đó giúp các trung tâm hoạt động liên tục đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Dù vậy, vị chuyên gia này cũng cho rằng, quy định trên cần có lộ trình cụ thể, tức chỉ “nới” trong 1 - 2 năm. Còn về lâu dài, chúng ta cần tiếp tục “đóng” lại để bảo đảm bảo các đăng kiểm viên vi phạm hoạt động kiểm định phải bị rút giấy phép hành nghề, các trung tâm có nhân viên sai phạm phải đóng cửa như quy định hiện hành.