Dự án khan hiếm: Nhà thầu xây dựng có việc làm, lãi 2% đã là cao

"Nhà thầu xây dựng có việc làm, lãi được 2% đã là cao nhưng nếu không biết cách quản lý, khoản lợi nhuận này ngày càng “teo tóp”, thậm chí càng làm càng lỗ...", ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons nói

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) diễn ra vào ngày 21/3 vừa qua. Được biết, trong nhiều năm nay, các nhà thầu liên tục gặp khó khăn do thị trường xây dựng đóng băng và các dự án bất động sản bế tắc về pháp lý.

Ông Trần Phước Tuấn, Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng, Chủ tịch VACC miền Trung thông tin, nhà thầu phần lớn không có việc làm nên hết sức khó khăn. Giai đoạn 2023 - 2024, vốn đầu tư công ở miền Trung rất lớn nhưng chủ yếu dành cho giao thông và do các doanh nghiệp lớn đảm nhận. Trong khi, những dự án công trình dân dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như bỏ ngỏ. Trước đó, một vài đơn vị khá có tiếng tăm, doanh số từ 2 đến 3.000 tỷ, thì nay hoạt động chưa đến 20% công suất.

Theo Chủ tịch VACC miền Trung, vốn đầu tư công cũng còn nhiều bất cập. Như một công trình công sau khi đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu được tạm ứng 10% để mua vật tư, chuẩn bị thi công… nhưng mua xong, sau 3 tháng vẫn không có mặt bằng thì theo quy định phải nộp lại tiền cho ngân sách, nếu không nộp là nhà thầu vi phạm. Điều này khiến nhiều nhà thầu vừa và nhỏ không chịu nổi. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến hợp đồng, cạnh tranh, phá giá… đang làm nhiều nhà thầu điêu đứng. 

xay-dung-1711094306.jpg
Nhà thầu phần lớn không có việc làm nên gặp nhiều khó khăn.

Nói thêm về khó khăn của ngành xây dựng, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Newtecons chia sẻ, gần đây, số lượng dự án mới khan hiếm, nhà thầu có việc làm, lãi được 2% đã là cao. Tuy nhiên, nếu không biết quản lý, chủ đầu tư trả tiền chậm hoặc không thanh toán thì lợi nhuận này “teo tóp”, thậm chí càng làm càng lỗ.

Theo số liệu từ ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, quy mô của các doanh nghiệp xây dựng rất nhỏ, khoảng 90% có quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng. Chủ yếu chỉ phổ biến từ 500-1.000 tỷ đồng. Số “ông lớn” có vốn trên 1.000 tỷ đồng đếm được trên đầu ngón tay.

Khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, phần lớn nhà thầu chỉ được tạm ứng 10-15% giá trị hợp đồng, nên khi triển khai thực hiện phải sử dụng vốn vay ngân hàng để mua vật tư, huy động xe, máy, trang trải thi công… với lãi suất thông thường trong năm 2023 khoảng 9-10%/năm. Việc phải chịu mức lãi suất này trong thời gian dài đã bào mòn sức khỏe của các doanh nghiệp xây dựng. Do đó, trong thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng dù rất cố gắng nhưng chỉ có một số hồi phục, một số thì rất khó khăn, thậm chí có không ít doanh nghiệp phải giải tán.

xay-dung3-1711094391.jpeg
Mức lãi suất cao trong thời gian dài đã bào mòn sức khỏe của các doanh nghiệp xây dựng.

Tuy nhiên, nhìn về thị trường xây dựng trong thời gian tới, Chủ tịch VACC vẫn kỳ vọng ngành còn nhiều cơ hội và tiềm năng. 

Thứ nhất, các luật mới đã được thông qua bao gồm: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, hướng dẫn Luật Đấu thầu... Từ đó, sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án bất động sản. 

Thứ hai, ngành xây dựng trong 5-10 năm tới đang có xu hướng chuyển dịch sang xây dựng công trình ngầm. Tiếp theo, đầu tư công đón nguồn ngân sách trong năm 2024 lên đến 220.000 tỷ và sẵn 500.000 tỷ trong kế hoạch đang thực hiện giải ngân.

Thứ ba, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Đề án ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận cho phép nhà đầu tư được sử dụng đất khác sẽ tháo gỡ cho nhiều trường hợp đang vướng mắc về vấn đề này. Hiện ước tính có khoảng 700 dự án đang có quyền sử dụng đất khác, không phải là đất ở. Nếu được gỡ sẽ giúp tăng nguồn cung bất động sản. Từ đó tạo công ăn việc làm cho các nhà thầu xây dựng.