Tái khởi động các dự án "đắp chiếu" đúng thời điểm "được giá", các căn hộ liệu hút khách?

Theo các chuyên gia, những dự án trên mở bán trong giai đoạn này cũng được đánh giá là gặp “mùa vàng” bởi thực trạng cầu thừa, cung thiếu như hiện nay. Nhưng để xuống tiền ở những dự án này, người mua nhà vẫn cần cân nhắc nhiều vấn đề.

Dự án HaNoi Melody Residences (Linh Đàm, Hà Nội) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Linh Đàm làm chủ đầu tư sau khi mở bán vào năm 2022 đã dừng thi công ở tầng 5, thời gian gần đây, đã được quảng bá rầm rộ trở lại với giá bán lên tới 70 – 80 triệu đồng/m2.

Cung cấp thêm nguồn cung cho thị trường

Trước đó, tại thời điểm mở bán, giá mỗi căn hộ tại dự án này, sau khi được chiết khấu (lên tới 38%) chỉ nằm trong khoảng 1,5 – 3,2 tỉ đồng, tương đương khoảng 25 – 28 triệu đồng/m2. Dự án này dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.800 căn hộ sau khi hoàn thiện. Nhưng ở thời điểm này, mức giá mới được chào bán không khỏi khiến nhiều người giật mình.

Vào đầu tháng 8, Công ty CP Trường học Quang Minh – chủ đầu tư dự án QMS Top Tower (tọa lạc tại nút giao Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Hà Nội) cũng thông tin dự án sẽ bán trở lại. QMS Top Tower được cấp phép xây dựng từ năm 2018 nhưng sau khi cất nóc vào tháng 4/2020 bất ngờ dừng thi công. Mức giá bán trở lại của dự án lên tới 80 triệu đồng/m2, cung cấp ra thị trường 490 căn hộ.

du-an-qms-1725355156.jpg
Các căn hộ "đắp chiếu" lâu năm được đánh giá là "gặp thới" khi quay lại thị trường giai đoạn này

Các dự án “đắp chiếu” trở lại trong bối cảnh giá chung cư ngày một leo thang. Các chuyên gia Savills cho rằng, việc hạn chế nguồn cung, mất cân bằng về sản phẩm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Hiện, thị trường địa ốc đang thiếu cả nhà ở vừa túi tiền lẫn hạng sang do nhiều dự án vẫn gặp khó khăn về gỡ vướng pháp lý để triển khai xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khi các luật đi vào cuộc sống sẽ giúp nhiều dự án sớm được gỡ vướng để được triển khai, hoàn thành. Từ đó nguồn cung cho thị trường sẽ gia tăng, góp phần làm giảm áp lực về cung cầu.

Theo đó, những dự án mở bán trong giai đoạn này cũng được đánh giá là gặp “mùa vàng” bởi thực trạng cầu thừa, cung thiếu như hiện nay. Cùng với đó, 3 sắc luật mới liên quan đến thị trường bất động sản vừa có hiệu lực đã phần nào cởi bỏ tâm lý chờ đợi, niềm tin của khách hàng dần được cải thiện, nhất là phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực.

Ông Lê Đình Chung – Tổng giám đốc SGO Homes cho biết, cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua bất động sản cũng tăng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong thời gian qua. Một trong những yếu tố thúc đẩy là hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất duy trì ở mức thấp, các chủ đầu tư cũng mạnh tay triển khai nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn…,giúp tỷ lệ hấp thụ các phân khúc đều khởi sắc.

Nhưng vẫn khó kéo giảm giá nhà

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, khi các dự án được tháo gỡ những vướng mắc, nguồn cung sẽ được “bung” ra thị trường, giá nhà sẽ giảm dần xuống mức hợp lý, phù hợp hơn với thu nhập người dân.

Bên cạnh đó, khi chủ đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai hơn, chi phí để phát triển dự án cũng có cơ hội giảm xuống nhờ quy trình pháp lý được rút ngắn, giá bán sản phẩm có cơ hội được điều chỉnh.

Tuy nhiên, qua 2 dự án tái khởi động, giá chào bán vẫn được các chủ đầu tư đưa ra ở mức cao, lên tới 80 triệu đồng/m2. Trong khi đó, một số chuyên gia tìm hiểu và nghiên cứu, những dự án này dù đã hết “đắp chiếu” nhưng vẫn còn một số vấn đề mà nhà đầu tư, người mua nhà cần lưu ý trước khi giao dịch.

du-an-hanoi-melody-residences-1725355232.jpg
Các dự án tái khởi động cung cấp hàng nghìn căn hộ nhưng khó kéo giảm giá nhà

Đơn cử như việc các dự án đã “dãi nắng, dầm mưa” sau một thời gian khá dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng nhà ở. Dù có lợi thế về vị trí nhưng do được cấp phép từ nhiều năm trước, tốc độ phát triển đô thị đến nay đã tăng lên rất nhiều, khiến hạ tầng giao thông tại các khu vực này chưa thể đáp ứng kịp thời Đơn cử như cung đường Tố Hữu – Lê Văn Lương đi vào nội đô được đánh giá là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông, đặc biệt là khung giờ cao điểm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS, các căn hộ mới mở bán hay các dự án tái khởi động tại trung tâm các thành phố lớn sẽ khó quay đầu trong giai đoạn tới, nên để cải thiện được mặt bằng giá loại hình căn hộ, cần thiết phải cải thiện nguồn cung nhưng là cung giá rẻ, nhà ở xã hội, giúp người có nhu cầu thực tiếp cận, mua được nhà ở.

Ông Nguyễn Anh Quê - Chủ tịch G6 Group nhận định, từ cuối năm 2025, quỹ nhà ở xã hội tại Hà Nội sẽ được cải thiện, có khoảng 4.000 căn trải dài các quận, huyện, thuộc khoảng 10 dự án. Giai đoạn 2027-2029, quỹ căn nhà ở xã hội và nhà ở thương mại phải lên tới ít nhất hơn 300.000 căn. Điều này sẽ làm giảm nhiệt thị trường chung cư.