"Ông lớn" ngành bán dẫn toàn cầu TSMC có lãnh đạo mới

Từ ngày 4/6/2024, hãng bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC sẽ chính thức có Chủ tịch mới là ông C.C Wei – một tên tuổi có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hãng trong suốt nhiều năm với cương vị Giám đốc điều hành.

Tân Chủ tịch C.C Wei của TSMC được giới quan sát đánh giá là người “khiêm tốn và ý chí bất khuất” đang trở thành tâm điểm chú ý của ngành bán dẫn toàn cầu. Trước đó, trong vòng 6 năm (từ năm 2018), ông đã giữ chức vụ Giám đốc điều hành công ty, vượt qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của ngành bán dẫn toàn cầu.

C.C Wei sẽ trở thành Chủ tịch thứ 3 của hãng, thay thế cho ông Mark Liu đã nghỉ hưu từ ngày 19/12/2023. Động thái này cũng là một phần trong công cuộc cải tổ bộ máy của TSMC, bao gồm cả việc cất nhắc người kế nhiệm tiếp theo cho ông Wei để làm giám đốc điều hành.

cc-wei-1717414670.jpg
C.C Wei chính thức trở thành Chủ tịch hãng bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC từ ngày 4/6/2024.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ CEO, ông Wei đã tập trung vào công tác quản lý trong khi Chủ tịch Mark Liu đảm nhiệm các vai trò đối ngoại và quan hệ công chúng nhiều hơn. Cả hai đã tạo nên một kỷ nguyên rực rỡ, sôi động nhất kể từ khi được Morris Chang thành lập vào năm 1987.

Giá trị thị trường của TSMC đã tăng gần gấp 3 trong giai đoạn vàng son của bộ đôi lãnh đạo này, đạt 22,4 nghìn tỷ đô la Đài Loan (699 tỷ USD) tính đến ngày 28/5/2024. Doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty cũng tăng hơn gấp đôi, bất chấp tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. TSMC hiện là nhà cung cấp lâu năm cho Nvidia, Apple, AMD và Qualcomm.

Để tham gia vào cuộc chạy đua bán dẫn, đặc biệt trong giai đoạn bùng nổ nhu cầu về chip AI, các quyết định quan trọng của 2 ông có vai trò lớn trong việc đưa TSMC trở thành hãng bán dẫn lớn nhất. Mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của TSMC đã tăng lên 5,8 tỷ USD vào năm 2023, tăng hơn 2 lần so với con số 2,8 tỷ USD vào năm 2018. Chi phí vốn của công ty cũng tăng gần gấp 3 lần từ 10,8 tỷ USD từ năm 2018 lên 30,45 tỷ USD vào năm 2023.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Nantao (Nam Đầu) thuộc miền Trung Đài Loan, C.C Wei tốt nghiệp ngành kỹ sư điện, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale và đầu quân cho Texas Instruments, STMicroelectronics và Charter Semiconduction Manufacturing Co. Cuối cùng, ông gia nhập TSMC vào năm 1988 và từng bước biến công ty phát triển theo hướng mang đậm dấu ấn bản thân.
Những nỗ lực không ngừng của C.C Wei đã được đánh giá cao bởi nhà sáng lập Morris Chang. Bất kể xuất phát điểm của ông không đến từ trường kỹ thuật danh giá nhất nhưng quá trình đào tạo  và tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo của ông lại rất ấn tượng.

“Ông ấy có kinh nghiệm về R&D, điều hành sản xuất và vận hành, đồng thời ông ấy cũng có kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh. Ông ấy là một CEO được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và có kinh nghiệm thực tế trên nhiều mặt trận”, Morris Chang cho biết.

Một cựu giám đốc TSMC từng làm việc với ông đã mô tả C.C Wei là người có sự kết hợp giữa tính khiêm tốn cá nhân và ý chí bất khuất: “Anh ấy có thể thân thiện khi giao tiếp với mọi người và các vấn đề để hoàn thành công việc và anh ấy có kiến thức rất vững chắc về hoạt động sản xuất”.

Wei cũng nổi tiếng với khả năng xử lý các mối quan hệ với các khách hàng quan trọng, bao gồm cả Apple, một khách hàng nổi tiếng khó tính. Chiến lược của ông, theo các giám đốc điều hành ngành chip, là không bao giờ hứa hẹn quá mức về bất cứ điều gì ngoại trừ việc mang lại nhiều hơn mong đợi.

tsmc-1717415436.jpg
Nhà máy của TSMC tại Arizona (Mỹ).

Với sự thay đổi cương vị, trở thành lãnh đạo tối cao của TSMC, nhiều kỳ vọng tiếp tục đặt lên vai C.C Wei.  TSMC hiện có hơn 76.000 nhân viên và lực lượng lao động này rất đa dạng. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch và mở rộng các cơ sở sản xuất của công ty trên toàn cầu cũng sẽ là một thách thức trong việc quản lý của Chủ tịch mới. Đầu nhiệm kỳ của Wei, hầu hết hoạt động sản xuất của TSMC đều tập trung vào Đài Loan, nhưng trong những năm gần đây, công ty bắt tay mở rộng toàn cầu với tốc độ chưa từng có, lần đầu tiên thành lập các cơ sở sản xuất ở Nhật Bản, Đức và Mỹ.