Xây nhà là một trong những sự kiện trọng đại của đời người, là quá trình tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Trong ngôi nhà, phần quan trọng nhất chính là móng nhà. Bởi móng nhà có vững chắc thì ngôi nhà mới đảm bảo sự an toàn. Rất nhiều người khi mua đất, mua nhà thường có ý định tận dụng lại móng cũ để tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên việc làm này có thực sự hiệu quả và an toàn?
Ưu, nhược điểm khi sử dụng móng nhà cũ
Tận dụng lại móng nhà cũ có ưu điểm là giúp gia chủ tiết kiệm khoản chi phí khá lớn so với việc xây dựng móng nhà mới. Đồng thời móng cũ còn giúp thời gian thi công được rút ngắn vì những người thợ không cần đào móng, đổ bê tông.
Tuy nhiên khi sử dụng móng nhà cũ vẫn có thể gặp những rủi ro. Nhiều trường hợp người mua tin tưởng người bán và cho rằng móng nhà rất chắc chắn, có thể xây lên 4 – 5 tầng. Nhưng khi xây đến tầng thứ 4 thì ngôi nhà xuất hiện dấu hiệu lún móng, nứt tường. Đây là hậu quả của việc kiểm tra chất lượng móng không kỹ lưỡng trước khi xây nhà.
Một số người muốn nâng tầng trên kết cấu hiện có của căn nhà nhưng lại không có hồ sơ kết cấu cũ. Nếu chỉ tin vào lời đơn vị thi công mà không thẩm định kỹ lưỡng phần móng sẽ rất nguy hiểm. Bởi trong trường hợp móng nhà cũ không đủ khả năng chịu tải sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng khi xây dựng thêm tầng nhà.
Kiểm tra, thẩm định móng nhà cũ
Để biết móng nhà cũ có tiếp tục sử dụng được hay không, chúng ta cần phải kiểm tra thật kỹ lưỡng và đánh giá tình trạng của móng nhà. Theo các chuyên gia thì chúng ta bắt buộc phải thực hiện các bước như sau:
Đầu tiên là phải xem xét hồ sơ thiết kế móng, biên bản nghiệm thu và hiện trạng móng để đưa ra đánh giá móng cũ có phù hợp với quy mô kết cấu của công trình mới hay không.
Hãy mời các đơn vị có chuyên môn thẩm tới định móng để đảm bảo chắc chắn. Việc kiểm tra móng bao gồm các dữ liệu như: chủng loại móng, kích thước, chất lượng cốt thép, chất lượng bê tông, khuyết tật của móng, độ ẩm, độ chặt, mức độ ảnh hưởng của môi trường đối với móng. Từ đó mới có thể kết luận móng có đủ điều kiện chịu tải công trình mới không.
Kích thước móng là dữ liệu cơ bản để đánh giá chính xác chất lượng móng. Quá trình kiểm tra kích thước móng, chúng ta phải xác định được độ sâu, độ rộng, dài. Hiện nay, phương pháp tối ưu nhất là sử dụng phương pháp radar xuyên đất, cảm điện từ. Đây là cách ứng dụng sóng điện từ lan truyền giữa các phân lớp địa chất để thu lại sóng phản xạ điện từ tần số cao và cho ra các dữ liệu về chất lượng cũng như kích thước móng.
Hãy kiểm tra cường độ của bê tông. Cách kiểm tra là khoan lấy mẫu rồi mang đi thí nghiệm để đưa ra kết luận chính xác.
Bằng phương pháp dùng máy siêu âm, chúng ta có thể kiểm tra được dữ liệu đường kính cốt thép, chất lượng cốt thép, chiều dày lớp bê tông bảo vệ cốt thép.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể kiểm tra chịu tải của móng cũ bằng cách thử tải tĩnh. Tuy nhiên so với các phương pháp kể trên thì cách này tốn kém hơn nhiều.
Trường hợp móng cũ đủ điều kiện xây dựng
Từ các dữ liệu phân tích, đánh giá, nếu thấy móng nhà cũ đủ điều kiện thì có thể tiến hành tính toán thiết kế kết cấu công trình mới. Tuy nhiên quá trình thi công trên nền móng cũ cần chú ý việc khoan cấy cốt thép công trình mới vào kết cấu móng cũ phải đảm bảo đúng quy trình.
Trường hợp móng cũ chưa đủ điều kiện
Các chuyên gia cho rằng, nếu kiểm tra thấy móng cũ chưa đủ điều kiện đáp ứng trọng tải kết cấu công trình mới thì có thể áp dụng phương án cải tạo gia cố móng.
Hiện nay, có các phương pháp cải tạo gia cố móng phổ biến như: bọc bê tông móng; mở rộng đáy móng; chuyển đổi loại móng từ móng đơn qua móng băng, từ móng băng sang móng bè; gia cố bằng cọc bê tông đúc sẵn hoặc cọc thi công tại hiện trường, ép cọc xuống nền đất tốt để tăng độ chịu tải cho móng cũ.
Việc gia cố móng cũ cần phải tuân theo những trình tự nhất định, đặc biệt là lựa chọn phương pháp gia cố phù hợp để công trình đạt hiệu quả tốt nhất.
Nếu trong trường hợp kiểm tra và nhận thấy móng nhà cũ không đủ điều kiện, không đủ khả năng chịu trọng tải của công trình mới, gia chủ nên phá bỏ móng cũ và thi công móng nhà mới để đảm bảo an toàn.