Các tân sinh viên cẩn trọng với chiêu lừa đăng ký ở ký túc xá

Nhận thấy nhu cầu chuyển từ nhà trọ sang ở ký túc xá của nhiều tân sinh viên, các đối tượng xấu lại bày trò lừa đảo. Chiều ngày 8/8, Trường Đại học Y Hà Nội đã phát đi cảnh báo về việc có hoạt động giả mạo, lừa đảo thí sinh chuyển tiền để đăng ký chỗ ở tại ký túc xá.

Giá nhà trọ tăng, “quay đầu” chọn ký túc xá

Nguyễn Trần Thu Trang (Nam Định) đã trúng tuyển đại học sớm bằng điểm đánh giá năng lực. Thời điểm nhận thông tin trúng đại học, cả Trang và gia đình đều dự tính thuê nhà trọ gần trường để tiện cho cô đi học. Nhưng gần đến ngày nhập học, Trang lại thay đổi chủ ý, cô dự định sẽ đăng ký ở ký túc xá của trường.

Trang chia sẻ, kinh tế gia đình cô cũng không phải khó khăn. Nhưng sau khi bố cô đi khảo giá nhiều khu trọ ở Cầu Giấy (Hà Nội) thì thấy mức thuê trọ quá cao. Lúc này, gia đình mới tính đến chuyện chọn ký túc xá. Điều khiến Trang thấy lo lắng nhất là cuộc sống sinh hoạt tập thể với nhiều người xa lạ.

ky-tuc-xa-1723265756.jpg
Nhiều tân sinh viên chọn ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí

Trong khi đó, Vũ Anh Thư (Thái Bình) đã quen với cuộc sống ký túc xá sau 1 năm ở đây. Thư chia sẻ, năm ngoái, cô cũng băn khoăn giữ ở ký túc xá và ở trọ ngoài. Nhưng rồi kinh tế gia đình còn khó khăn nên cô chọn ở ký túc.

Thư bảo, ở ký túc xá cũng có nhiều ưu điểm như về giá cả: Ký túc xá phòng 6 người thì tiền phòng 400.000 đồng/tháng, tiền điện, nước, mạng internet là 300.000 đồng/tháng. Nhiều bạn sợ ở ký túc xá đông người một phòng, dễ xung đột trong sinh hoạt mà không nghĩ sẽ được ở chung với những người bạn học cùng ngành. Những lúc học tập hay ôn thi cuối kỳ, cả phòng có thể hỗ trợ lẫn nhau. Lịch học cũng khá đều nhau nên mọi người đều cảm thấy thoải mái và không bị ảnh hưởng.

Dù vậy, Thư cũng chia sẻ điều cô không thích nhất ở ký túc xá là không được nấu ăn và đóng cửa sớm nên khó đi chơi về muộn.

Trần Trung Kiên (Đại học Giao thông Vận tải TP. HCM) ban đầu vào ký túc xá cũng vì giá phòng trọ ngoài quá đắt đỏ. Kiên cho biết, một năm trước, khi chuẩn bị nhập học, cậu đi xem phòng trọ thì thấy giá lên tới 3 - 4 triệu đồng/phòng. Kinh tế gia đình cậu không kham nổi.

Ở ký túc xá, Kiên đóng 2,5 triệu đồng mỗi kỳ, tương đương khoảng 500.000 đồng/tháng cho tiền phòng, cộng thêm các chi phí điện, nước, mạng khoảng 150.000 đồng. Ký túc xá cũng có rất nhiều tiện ích như nhà vệ sinh khép kín, bàn học, tủ cá nhân, bàn ăn, nhà để xe, thư viện…

Kiên bảo, an ninh ở đây cũng được bảo đảm, muốn ra vào, sinh viên phải quẹt thẻ đã được đăng ký ban đầu. Do vậy, cậu không có ý định chuyển ra ngoài thuê trọ.

Cẩn trọng với chiêu lừa đăng ký ở ký túc xá

Nhận thấy nhu cầu chuyển từ nhà trọ sang ở ký túc xá của nhiều tân sinh viên, các đối tượng xấu lại bày trò lừa đảo đăng ký ở trong ký túc xá. Theo đó, chiều ngày 8/8, Trường Đại học Y Hà Nội đã phát đi cảnh báo về việc có hoạt động giả mạo, lừa đảo thí sinh chuyển tiền để đăng ký chỗ ở tại ký túc xá.

ky-tuc-xa-1-1723265753.jpg
Đối tượng lừa đảo đăng ký ở ký túc xá

Những đối tượng này sử dụng tài khoản Facebook liên lạc với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội và yêu cầu các em này chuyển tiền để được đăng ký sớm chỗ ở ký túc xá. Như trường hợp thí sinh Lê Thanh H. (huyện Tam Nông, Phú Thọ) được đối tượng lừa đảo thông báo đăng ký chỗ ở tòa nhà chất lượng cao thì đóng 5,5 triệu đồng, tòa thường thì đóng 4,5 triệu đồng.

Khi thí sinh ngần ngại chưa gửi tiền thì đối tượng thúc giục với lý do "chiều nay họp chốt ký túc xá để đăng ký tạm vắng tạm trú cho sinh viên rồi", thậm chí còn còn khẳng định: "Gửi thông tin rồi nộp tiền, 20/8 dọn vào ở được rồi".

Tiến sĩ Lê Thị Ngọc Anh - Trưởng phòng Công nghệ thông tin và truyền thông, Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, để bảo vệ quyền lợi của sinh viên và phụ huynh, nhà trường khuyến cáo thí sinh chỉ đăng ký ký túc xá qua các kênh chính thức của nhà trường như website, cổng thông tin sinh viên, hoặc liên hệ trực tiếp với phòng quản lý ký túc xá.

Thí sinh không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ cá nhân nào tự xưng là đại diện nhà trường nếu chưa xác minh được thông tin. Các em cần cập nhật thường xuyên trang website và fanpage chính thức của nhà trường để nắm bắt thông báo mới nhất.

Nhà trường cũng đã tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi giả mạo này. Nhà trường cũng đã báo cáo với cơ quan công an về sự việc.